Cuộc khảo sát chỉ số quản lý thu mua (PMI) hôm 22-7 cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 10 tháng qua vào tháng 7-2022, báo hiệu về một nền kinh tế đang chật vật với hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra. Hoạt động của các nhà máy ở Úc cũng chậm lại với chỉ số PMI giảm từ 56,2 trong tháng 6 xuống 55,7 trong tháng 7.

Cuộc khảo sát cho thấy các nhà sản xuất khu vực châu Á đang chịu những hạn chế về nguồn cung, chi phí nguyên liệu thô tăng và nhu cầu toàn cầu chậm lại. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng những yếu tố trên là nguyên nhân chính đe dọa sự phục hồi kinh tế của đất nước.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng chậm lại trong quý II/2022 do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa để phòng dịch Covid-19 trên diện rộng cũng như dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu trong những tháng tới.

Các container hàng hóa tại cảng TP Oakland, bang California – Mỹ hôm 21-7 Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, lạm phát tăng vọt do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 21-7 đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm do nỗi lo về lạm phát lấn át lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trong khi mối đe dọa về sự thiếu hụt nguồn cung hàng hóa toàn cầu đã giảm so với giai đoạn đại dịch thì các chuyên gia lo ngại xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng mới khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm vì lạm phát cao.

Báo cáo của các nhà kinh tế học thuộc Tập đoàn Tài chính Citigroup (Mỹ) cho rằng sự tắc nghẽn trong hệ thống thương mại toàn cầu sẽ khó được giải quyết trong một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, xu hướng đình công của người lao động toàn cầu đang tăng, sự gián đoạn hoạt động của các nhà máy liên quan đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Ukraine và áp lực vận chuyển hàng hóa vào dịp lễ cuối năm có thể một lần nữa gây hỗn loạn mạng lưới cung ứng toàn cầu. 


Xuân Mai