Hãng tin AP dẫn lời Tướng Amir Ali Hajizadeh cho biết hơn 300 người đã tử vong, trong đó có “tử sĩ”, dường như ám chỉ lực lượng an ninh.

Tướng Hajizadeh không đưa ra con số cụ thể và cũng không cho biết ông lấy số liệu ước tính nêu trên từ đâu. Ông đồng thời khẳng định các quốc gia đối đầu Iran, bao gồm phương Tây và Ả Rập Saudi, kích động biểu tình. Tuy nhiên, ông không trưng ra bằng chứng.

Đây là lần đầu tiên trong 2 tháng Iran công bố số liệu chính thức về thương vong biểu tình.

Biểu tình nổ ra theo sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái 22 tuổi thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắt giam vì vấn đề trang phục. Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng và trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với giới chức Iran kể từ năm 1979.

Tướng Amir Ali Hajizadeh. Ảnh: Tehran Times

Các cuộc biểu tình, hiện ở tháng thứ 3, vẫn tiếp diễn bất chấp phản ứng quyết liệt của lực lượng an ninh Iran.

Iran từ chối hợp tác với sứ mệnh được mô tả là nhằm “tìm kiếm sự thật” vừa được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) bỏ phiếu thành lập.

Khẳng định UNHRC là một ủy ban chính trị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nasser Kanaani ngày 28-11 tuyên bố quốc gia của họ sẽ không hợp tác với cơ quan này.

Trong một diễn biến riêng biệt, Iran trả tự do cho một công dân quốc tịch kép Iran-Áo vì lí do sức khỏe.

Hãng tin APA dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Áo xác minh ông Massud Mossaheb, 76 tuổi, đã được phóng thích nhờ “nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ”. Iran vẫn chưa lên tiếng về thông tin này.

Các cuộc biểu tình ở Iran đang ở tháng thứ 3. Ảnh: Reuters


Cao Lực