Phát biểu tại sự kiện “Tương lai của chiến tranh viễn chinh hiện đại” do báo The Hill tổ chức, Tướng Berger khẳng định mặc dù mối đe dọa quân sự và an ninh đến từ những quốc gia khác là “đáng kể”, chúng không đạt đến mức độ của Bắc Kinh và Moscow.

Trong khi đó, Nghị sĩ Joe Courtney của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ khẳng định không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chọn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thay vì Trung Đông hay châu Âu, làm điểm đến trong chuyến công du nội các đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

“Rõ ràng, về mặt quân sự và ngoại giao, mối đe dọa cấp bách hiện nằm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” – ông Courtney nói.

Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ David Berger. Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ

Cũng tại sự kiện nêu trên, Nghị sĩ Rob Wittman của bang Virginia, cáo buộc Trung Quốc sử dụng mọi biện pháp, kể cả ăn cắp công nghệ Mỹ, để cải thiện chất lượng tàu và nâng cao năng lực đóng tàu.

“Chúng ta cần cảnh giác với sự thật này, phải hiểu rằng Trung Quốc sẽ hành động khác biệt để đạt được mục đích riêng. Với họ, mọi phương tiện đều giống nhau” – ông Wittman cảnh báo.

Cũng theo ông Wittman, trong khi Mỹ hướng sự chú ý đến Iraq và Afghanistan trong 20 năm qua, đóng tàu và các nguồn lực cần thiết cho Hải quân Mỹ vẫn không thay đổi. Điều này cho phép Trung Quốc thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Ôn Wittman nói thêm rằng tương lai của lực lượng đổ bộ Mỹ phụ thuộc vào các tàu nhỏ, linh động hơn.

“Chúng vẫn cần các tàu lớn để kết nối hậu cần. Tuy nhiên, chúng ta phải dùng các nền tảng đổ bộ để di chuyển trang thiết bị, tiếp tế cho các đơn vị Thủy quân Lục chiến. Các bạn sẽ không thấy những cuộc tấn công đổ bộ quy mô lớn như trong Thế chiến II” – ông Wittman giải thích.

Mỹ thời gian qua tăng cường hiện diện quân sự để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”. Ảnh: Reuters


Cao Lực

Chia sẻ