Với hệ thống chăm sóc sức khỏe và nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam làm thế nào để giữ số lượng ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp?

Chỉ riêng ở Đức, hơn 30.000 người bị nhiễm virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2) và 149 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ thông báo hơn 150 trường hợp nhiễm bệnh và chưa có trường hợp tử vong nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1.

Ngay cả khi những con số này cần được xem xét thận trọng, một điều rõ ràng là Việt Nam đã và đang làm rất tốt công việc phòng chống Covid-19.

Ngay trong Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, chính phủ Việt Nam đã “tuyên chiến” với SARS-CoV-2 dù dịch bệnh vào thời điểm đó chỉ mới hoành hành ở Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chống dịch như chống giặc”.

Tuy nhiên, cuộc chiến này phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách nhà nước dồi dào và một hệ thống y tế công cộng vững chắc. Đây lại là hai điều Việt Nam còn thiếu.

Người Việt Nam đeo khẩu trang ngoài đường phố phòng dịch bệnh . Ảnh: Kham

Việt Nam không có khả năng phát động cuộc chiến chống Covid-19 như kiểu Hàn Quốc, quốc gia cho đến nay đã thực hiện 350.000 cuộc xét nghiệm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết các bệnh viện của thành phố chỉ có tổng cộng 800 giường chăm sóc đặc biệt. Sự bùng phát của dịch bệnh, nếu có, sẽ khiến hệ thống y tế của thành phố bị quá tải.

Để chống virus SARS-CoV-2, Việt Nam thực hiện các chính sách cách ly nghiêm ngặt và theo dõi toàn bộ những ai có tiếp xúc với người nhiễm virus. Những biện pháp này còn được thực hiện từ sớm.

Chẳng hạn vào ngày 12-2, Việt Nam cho cách ly toàn bộ một thôn gần 10.000 dân gần Hà Nội trong 3 tuần. Tại thời điểm đó, chỉ có 10 ca Covid-19 được xác nhận trên toàn quốc. Các nhà chức trách cũng thu thập thông tin về bất kỳ ai có khả năng tiếp xúc với virus.

Việt Nam cũng sớm quy định bất cứ ai đến Việt Nam từ khu vực có nguy cơ cao sẽ bị cách ly trong 14 ngày. Tất cả trường học cũng đóng cửa từ đầu tháng 2.

Thay vì chỉ phụ thuộc vào y học và công nghệ để ngăn chặn sự lây lan của virus, bộ máy an ninh, với sự hỗ trợ của quân đội, đã thực hiện các biện pháp giám sát rộng rãi trong cộng đồng. 

Việt Nam cũng vận dụng sách lược toàn dân có từ thời chiến tranh vào cuộc chiến mới. Thủ tướng Phúc đã nói: “Mỗi doanh nghiệp, mọi người dân, mọi khu dân cư phải là một pháo đài để ngăn chặn dịch bệnh”.

Điều này tác động đến nhiều người Việt Nam, những người tự hào về khả năng sát cánh cùng nhau trong khủng hoảng và chịu đựng những khó khăn.


Gia Minh (Theo DW)