Theo báo South China Morning Post (SCMP), SCO cũng tuyên bố ủng hộ các hành động của chính phủ Kazakhstan – dấu hiệu chấp thuận sự can thiệp của Nga vào quốc gia này.

Cơ quan chống khủng bố khu vực của SCO cho biết họ sẵn sàng mở rộng hỗ trợ cho Kazakhstan “nếu có yêu cầu từ cơ quan hữu trách Kazakhstan”, hãng tin TASS của Nga đưa tin.

SCO tin rằng các hành động hiện tại của Kazakhstan sẽ giúp ổn định tình hình nhanh nhất có thể và bảo vệ hệ thống hiến pháp của quốc gia này.

Trong một tuyên bố riêng, ông Zhang Ming, tổng thư ký của SCO (có các thành viên bao gồm Nga và Kazakhstan), bày tỏ hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định.

Ông Zhang nói: “Duy trì ổn định nội bộ tại Kazakhstan – với tư cách là một quốc gia thành viên của SCO – là một trong những yếu tố quan trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực”.

Một chiếc xe hơi bị đốt cháy trước văn phòng thị trưởng TP Almaty. Ảnh: Reuters

Cam kết được SCO đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Kazakhstan sẽ khó giảm ảnh hưởng của Nga sau khi yêu cầu Moscow gửi quân đội giúp dập tắt bất ổn.

Các nhà quan sát ngoại giao nhận định Trung Quốc và Nga dường như đồng ý về những hành động sẽ được tiến hành ở Kazakhstan để tránh xâm phạm lẫn nhau.

Kazakhstan là nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiến ​​Vành đai và Con đường năm 2013 cũng như có chung đường biên giới 1.700 km với Trung Quốc. Vì vậy, nguy cơ bất ổn có khả năng tràn sang khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Ông Danil Bochkov, nhà nghiên cứu tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, bình luận: “Trung Quốc duy trì sự hiện diện kinh tế rất tích cực trong khu vực, trong khi chương trình nghị sự an ninh ở đó vẫn là đặc quyền của Nga. Tôi không nhận thấy bất kỳ phản ứng tiêu cực nào từ Trung Quốc về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình (từ Nga) vì Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ hỗ trợ chính quyền Kazakhstan nhằm đưa đất nước ổn định trở lại và đảm bảo an ninh”.

Cũng theo ông Bochkov, Trung Quốc không có khả năng can dự quá nhiều vào các vấn đề an ninh khu vực trong tương lai gần do quan hệ của họ với Nga. 

Kazakhstan chìm vào bất ổn trong vài tuần qua. Ảnh: AP

Ngày 7-1, ông Tập cam kết với Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trong một thông điệp bằng văn bản rằng Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực của Kazakhstan trong việc giải quyết khủng hoảng và phản đối việc các thế lực bên ngoài xúi giục thay đổi chế độ.

Ông Wan Qingsong, PGS tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Trường ĐH Hoa Đông, cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ chú ý đến các hoạt động diễn ra ở Kazakhstan, không những bởi sự ổn định chính trị của Kazakhstan đang bị đe dọa mà còn vì an ninh và sự ổn định lợi ích cũng như tình hình của người Trung Quốc ở Kazakhstan và an ninh, sự ổn định của khu vực Tân Cương.


Phạm Nghĩa

Chia sẻ