Theo AP, các biện pháp trừng phạt được Trung Quốc công bố ngày 16-9. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh không nêu rõ các biện pháp trừng phạt này là gì. 

Những người nằm trong danh sách là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Raytheon, Gregory Hayes và chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Boeing Defense, Ted Colbert. 

Bà Mao Ninh nói tại cuộc họp giao ban hằng ngày: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chính phủ Mỹ và các bên liên quan ngừng bán vũ khí và ngừng tiếp xúc quân sự với Đài Loan, đồng thời ngừng tạo ra các yếu tố mới có thể dẫn đến căng thẳng ở eo biển Đài Loan”.

Chưa rõ hai giám đốc cũng như tập đoàn của họ sẽ chịu tác động như thế nào. Tuy nhiên, AP cho biết các biện pháp trừng phạt như vậy “chủ yếu mang tính chất tượng trưng”. 

Bà Mao Ninh cũng bày tỏ sự phản đối của Trung Quốc đối với chuyến thăm tiềm tàng của các nhà lập pháp Cộng hòa Czech tới Đài Loan. Theo báo cáo của truyền thông Đài Loan, một phái đoàn gồm 14 người của CH Czech sẽ tới hòn đảo này vào ngày 18-9 để thực hiện chuyến thăm kéo dài 6 ngày.

Tên lửa chống hạm Harpoon A-84 và các tên lửa không đối không AIM-120, AIM-9 của Mỹ chuẩn bị cho cuộc tập trận ở Hoa Liên – Đài Loan tháng 8-2022. Ảnh: AP

Tuần trước, Mỹ công bố thương vụ bán vũ khí trị giá 1,09 tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm số tên lửa Harpoon của Boeing Defense trị giá 355 triệu USD và số tên lửa Sidewinder của Raytheon trị giá 85 triệu USD. 

Mỹ không chính thức công nhận Đài Loan nhưng là nhà cung cấp thiết bị quân sự chính của hòn đảo.

Vào tháng 2 năm nay, Trung Quốc cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ về hợp đồng bảo trì các hệ thống phòng thủ tên lửa của Đài Loan trị giá 100 triệu USD.

Bắc Kinh đã phản đối dự luật được một ủy ban Thượng viện Mỹ thông qua tuần này, có thể thúc đẩy sự hỗ trợ quân sự của Washington dành cho Đài Loan.


Phạm Nghĩa