Theo hãng tin Tân Hoa Xã, trong cuộc họp báo bên lề Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 tại Bắc Kinh ngày 7-3, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương hy vọng Mỹ sẽ tìm kiếm con đường phù hợp để hòa hợp với Trung Quốc nhằm có lợi cho cả hai nước và thế giới.

Ông Tần Cương cho rằng Mỹ đã có hành động áp chế và ngăn chặn Trung Quốc thay vì cạnh tranh công bằng, dựa trên luật lệ. Ông kêu gọi Mỹ nên thay đổi thái độ đối với Trung Quốc, nếu không thì xung đột và đối đầu sẽ xảy ra; song song đó bảo vệ lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến ở Ukraine cũng như mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc này, dường như có một “bàn tay vô hình” đang điều khiển khủng hoảng Ukraine, khiến xung đột leo thang và kéo dài. Ông Tần Cương không nói rõ “bàn tay vô hình” của nước nào nhưng nhắc lại lời kêu gọi các bên đối thoại càng sớm càng tốt để kết thúc cuộc xung đột.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tham dự cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 7-3 Ảnh: REUTERS

Trước đó, hôm 6-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp cáo buộc Mỹ dẫn đầu các quốc gia phương Tây ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng trong tương lai, những rủi ro và thách thức mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đối mặt sẽ chỉ tăng lên và nghiêm trọng hơn.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực tư nhân đối với nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các công ty tăng cường đổi mới và đóng vai trò lớn hơn trong việc thiết lập sự độc lập về công nghệ.

Trong khi đó, 13 thành phố phía Bắc Trung Quốc quanh thủ đô Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo ô nhiễm trong vài ngày qua, làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi của ngành công nghiệp trong khu vực đang làm gia tăng tình trạng khói bụi.

Theo Reuters, mức ô nhiễm tăng đột biến gần đây là do hoạt động công nghiệp gia tăng khi các nhà máy thép và xi-măng hoạt động ở mức cao hơn.

Ngoài ra, lưu lượng xe tải chạy bằng dầu diesel cũng tăng khi Trung Quốc nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau khi dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, nhất là khi hoạt động xuất – nhập khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn tháng 1 và 2 sụt giảm lần lượt 6,8% và 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 


Xuân Mai