Giới chức Nhật Bản cho biết Thủ tướng Suga sẽ tìm kiếm sự tái cam kết của Tổng thống Biden về việc Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật áp dụng cho cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền) ở biển Hoa Đông. Điều này đồng nghĩa Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột tại đây.

Thủ tướng Suga nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái, thừa hưởng một chính sách Trung Quốc tìm kiếm sự cân bằng giữa an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu này ngày càng khó thực hiện khi Bắc Kinh lấn lướt hơn trên biển Đông, biển Hoa Đông.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua vùng biển nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako – Nhật Bản, hồi cuối tháng rồi Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ Tổng thống Biden tại Washington kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1.

Theo chuyên gia Jonathan Wood của Công ty Tư vấn Control Risks (Anh), điều này cho thấy Tổng thống Biden xem Nhật Bản là nhân tố chủ chốt để thực hiện 2 mục tiêu cốt lõi trong chính sách ngoại giao của mình: Tái xây dựng quan hệ đồng minh và đối phó Trung Quốc. Nói như chuyên gia Toshihiro Nakayama đến từ Trường ĐH Keio (Nhật Bản), ông chủ Nhà Trắng xem Nhật Bản là đối tác quan trọng nhất và điều này đồng nghĩa Tokyo phải hoạt động mạnh mẽ hơn để đáp ứng kỳ vọng.

Một số hãng tin cho biết Washington đã kêu gọi Tokyo lên tiếng ủng hộ “hòa bình và ổn định” ở eo biển Đài Loan trong tuyên bố chung của 2 nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, nhà phân tích Tobias Harris của Công ty Tư vấn Teneo (Mỹ) cho rằng Thủ tướng Suga sẽ không nói bất cứ điều gì gây tổn hại đến các mối quan hệ với Bắc Kinh, bởi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Tokyo.

Dù vậy, theo không ít chuyên gia, thượng đỉnh Mỹ – Nhật lần này diễn ra trong một bối cảnh rất khác, khi mà “mối đe dọa đang tập trung ở châu Á và Nhật Bản đang ở tuyến đầu của mối đe dọa này”. Một số nhà phân tích cho rằng Nhật Bản cần đưa ra những tuyên bố rõ ràng hơn, thay vì bóng gió chỉ trích Bắc Kinh thông qua những ngôn từ “mơ hồ” về tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.


Cao Lực

Chia sẻ