Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát bán lẻ, đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng từ sự tăng vọt của chi phí năng lượng và giá lương thực.

Con số trên cao hơn mức tăng dự báo 1,8% trong cuộc thăm dò của Reuters. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ mức tăng 2,3% hồi tháng 11 năm ngoái và cao hơn mức trung bình lạm phát giá tiêu dùng 0,9% trong 18 tháng.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) cho biết trong báo cáo hôm 11-5: “Động lực chính là giá thực phẩm tăng do chi phí vận chuyển tăng và nhu cầu dự trữ tăng do các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt”. Giá rau tươi tăng 24%, trái cây tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái hồi tháng 4 trong khi giá nhiên liệu tăng 28,4% so với một năm trước đó.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc cũng tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng dự báo của Reuters là 7,7%.

 Ông Bruce Pang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại Tổ chức Tài chính China Renaissance (Trung Quốc), nói với đài CNBC rằng cần có chính sách tài chính và tiền tệ cấp thiết nhằm cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.

Khách mua hàng tại một siêu thị ở TP Thượng Hải – Trung Quốc hôm 5-5. Ảnh: REUTERS

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại vào đầu quý II/2022 do chính quyền ở hàng chục thành phố áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đáng chú ý TP Thượng Hải đã đóng cửa trong 6 tuần. Các biện pháp kiểm soát dịch đã ngăn nhiều nhà máy hoạt động hết công suất hoặc vận chuyển hàng hóa giữa các nhà cung cấp với khách hàng.

Giới phân tích cảnh báo kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng âm trong một số lĩnh vực và khu vực trong năm nay khi nước này chứng kiến các chỉ số kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Ông Gary Ng, nhà kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Đầu tư Natixis (Pháp), nhận định ngay cả khi không xảy ra suy thoái toàn diện, việc phong tỏa có thể dẫn đến sự tăng trưởng không đồng đều giữa miền Bắc và Nam Trung Quốc cũng như giữa các ngành.

Cuối tháng 4, Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 xuống 4,2%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 5,5% do Trung Quốc đề ra khi cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch sẽ kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm 11-5 ghi nhận 1.927 ca mắc Covid-19 mới một ngày trước đó, trong đó có 324 ca có triệu chứng.

Bình luận về chiến lược “không Covid-19” của Trung Quốc, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng chiến lược này không bền vững và sự thay đổi là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, chính quyền Thượng Hải tái khẳng định sẽ duy trì chiến lược “không Covid-19”.


Xuân Mai