Theo kế hoạch chung được công bố vào tháng 5-2020 của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia, Ủy ban Y tế quốc gia, Cục Y học cổ truyền Trung Quốc, hầu hết thành phố lớn sẽ xây bệnh viện truyền nhiễm hoặc lập khoa truyền nhiễm độc lập trong các bệnh viện đa khoa.

Chỉ riêng ngân sách trung ương đã dành ra 45,66 tỉ nhân dân tệ (gần 7,2 tỉ USD) cho hệ thống y tế công trong năm 2020. Ngoài ra còn có ngân sách địa phương và trái phiếu đặc biệt.

Chính quyền các địa phương đều công bố kế hoạch mở rộng hệ thống bệnh viện, hầu hết bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2021. Bắc Kinh dự định xây trung tâm phòng dịch và đến cuối năm 2022 sẽ tăng số phòng áp lực âm lên 700 phòng. Thượng Hải sẽ triển khai 8.000 giường dành cho bệnh truyền nhiễm…

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 bên ngoài một bệnh viện ở Bắc Kinh hôm 17-1 Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, với việc đại dịch bước vào năm thứ ba và biến thể Omicron lây lan khắp thế giới, Trung Quốc vẫn đối mặt hàng loạt thách thức.

Tạp chí Caixin dẫn lời giới chuyên gia y tế chỉ ra việc xây dựng phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) – vốn ngốn kinh phí khổng lồ – đang tụt lại, bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm ở các thành phố nhỏ không đạt chuẩn…

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy Trung Quốc có 3,6 giường ICU trên 100.000 dân, thấp hơn nhiều so với Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Singapore có 11,4 giường chăm sóc đặc biệt trên 100.000 dân.

Quan trọng không kém là tình trạng thiếu hụt bác sĩ, y tá do chế độ lương bổng, biên chế, điều kiện làm việc… Thêm vào đó, vấn đề phân phối không đều nguồn lực y tế trên toàn quốc khiến cho các bệnh viện nhỏ, đặc biệt là ở nông thôn, không có đủ nhân lực lẫn vật lực.


Hải Ngọc

Chia sẻ