Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã “phản pháo’ trước những nỗ lực của Mỹ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những ngày gần đây.

Bình luận trên là phản ứng mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới châu Âu, tập trung vào nỗ lực giải quyết thách thức của Trung Quốc đối với trật tự toàn cầu.

Ông Triệu nói: “Mỹ đang bị “bệnh nặng”. G-7 tốt hơn nên bắt mạch và kê đơn thuốc”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (khẩu trang đen) trò chuyện với các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AP

Trước đó, phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo NATO rằng nước này sẽ không “ngồi lại” khi đối mặt với bất kỳ thách thức nào. Phái bộ Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh “không đặt ra “những thách thức hệ thống” cho bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu có ai đó đặt ra “những thách thức có hệ thống” đối với chúng tôi”.

Phái bộ Trung Quốc nói thêm rằng NATO nên ngừng thổi phồng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, họ sẽ theo dõi những thay đổi trong chính sách của NATO với Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo NATO cho rằng những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân và năng lực tác chiến không gian vũ trụ cũng như không gian mạng đã đe dọa trật tự quốc tế.

Đáp lại, phái bộ Trung Quốc nói rằng nước này có ít vũ khí hạt nhân hơn Mỹ và các quốc gia NATO, và Trung Quốc đã cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các quốc gia không có vũ khí này.

Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ nước này có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Song, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính Trung Quốc có 350 đầu đạn trong năm nay, tăng so với 320 đầu đạn vào năm ngoái và nhiều hơn tất cả thành viên NATO, ngoại trừ Mỹ.

Tờ South China Morning Post dẫn tuyên bố của phái bộ Trung Quốc: “Điều chúng tôi muốn hỏi là liệu NATO và các quốc gia thành viên từng tuyên bố “cam kết hòa bình, an ninh và ổn định” có thể thực hiện các cam kết tương tự như Trung Quốc không?”


Huệ Bình

Chia sẻ