Dự luật với tên gọi “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” bao gồm hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, thúc đẩy nỗ lực phân phối vắc-xin, mở cửa lại trường học, gia hạn trợ cấp thất nghiệp tới tháng 9, hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương, mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng Obamacare.

Việc gói cứu trợ này được thông qua trở thành thắng lợi lớn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức. Tổng thống Biden ký thành luật gói giải cứu kinh tế tạo ra một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng cũng làm dấy lên lo ngại tăng trưởng có thể “quá nóng” và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến ​​trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật gói giải cứu kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD, gọi dự luật với tên chính thức “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” là dự luật lịch sử. Ảnh: USA Today

Theo South China Morning Post, kế hoạch giải cứu trị giá ngàn tỉ USD của Tổng thống Biden đã nâng mức cảnh báo ở Trung Quốc. Các quan chức chính phủ và cố vấn Trung Quốc công khai bày tỏ lo ngại rằng việc bơm tiền ồ ạt vào thị trường toàn cầu có thể thổi phồng bong bóng tài sản, gây thêm xáo trộn thị trường tài chính và dẫn đến lạm phát cao hơn.

Cựu Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm, cũng là một cố vấn của chính phủ Trung Quốc, mô tả kế hoạch trên của Tổng thống Biden là “cơn lũ dữ dội, dã man”. Ông Hoàng Kỳ Phàm cảnh báo gói cứu trợ này đặt ra thách thức lớn cho phần còn lại của thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Theo cựu Thị trưởng Trùng Khánh, “kế hoạch cứu trợ 1.900 tỉ USD nhìn chung sẽ được cấp tiền thông qua đợt in tiền mới. Điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới tính thanh khoản khổng lồ và lạm phát”.

Mức nợ cao của chính phủ Mỹ (27.800 tỉ USD cuối năm 2020) và thâm hụt ngân sách liên bang ước tính 3.100 tỉ USD có thể sẽ gây nguy hiểm cho giá trị đồng USD và gây rối loạn cho thị trường tài chính, mang tới “những rủi ro hệ thống” cho nền kinh tế toàn cầu, ông Hoàng Kỳ Phàm cảnh báo.

Một số nhà quản lý tài chính Trung Quốc bày tỏ lo lắng về tác động của kế hoạch của ông Biden đối với dòng vốn và thị trường tài chính trong nước, cảnh báo khả năng hình thành một bong bóng thị trường khổng lồ.

Những lời chỉ trích kế hoạch của ông Biden ngày càng trở nên gay gắt hơn từ phía Bắc Kinh do giá cổ phiếu Trung Quốc gần đây giảm mạnh và lạm phát tại nhà máy tăng do giá nguyên liệu thô cao hơn.

“Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” bao gồm hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ. Ảnh: TNS

Về phía Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jay Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã bác bỏ những lo ngại. Cả hai cho biết sẽ mất nhiều năm để nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn sau những thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng việc bơm 1.900 tỉ USD cứu trợ vào nền kinh tế Mỹ chịu tổn hại do Covid-19 sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nội địa và cả khuyến khích phục hồi kinh tế toàn cầu.


Huệ Bình

Chia sẻ