Cảnh báo trên được KCNA đưa ra sau các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn của lực lượng Hàn Quốc và Mỹ. 

Theo Hàn Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo vào sáng sớm 9-10, vụ phóng thứ bảy kể từ ngày 25-9 năm nay. 

KCNA cho biết trong 2 tuần qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hướng dẫn các đơn vị tác chiến hạt nhân diễn tập, sử dụng tên lửa đạn đạo tích hợp đầu đạn hạt nhân mô phỏng. Mục đích diễn tập nhằm đưa ra thông điệp răn đe chiến tranh mạnh mẽ. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một vụ thử tên lửa ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Các cuộc tấn công mô phỏng nhắm vào các cơ sở chỉ huy quân sự, cảng chính và vô hiệu hóa các sân bay ở miền Nam (chỉ Hàn Quốc). 

“Tính hiệu quả và khả năng chiến đấu thực tế của lực lượng tác chiến hạt nhân của chúng tôi đã được thể hiện đầy đủ khi lực lượng này sẵn sàng tấn công và tiêu diệt các mục tiêu bất cứ lúc nào, từ bất kỳ vị trí nào” – KCNA tuyên bố.

Bên cạnh đó, KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un: “Mặc dù đối phương tiếp tục nói về đối thoại và đàm phán, chúng tôi không có bất cứ điều gì để nói và cảm thấy không cần phải làm như vậy”. 

Chuyên gia Ankit Panda đến từ Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở tại Mỹ) bình luận rằng tuyên bố của Triều Tiên cho thấy sự dứt khoát của nước này trước Mỹ và Hàn Quốc.

Các nhà phân tích cho hay nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, nước này có thể sẽ phát triển các đầu đạn chiến thuật nhỏ hơn dành cho chiến trường và phù hợp với tên lửa tầm ngắn như loại được thử nghiệm gần đây.

Giới chức Hàn Quốc và Mỹ cảnh báo có nhiều dấu hiệu Triều Tiên có thể sớm kích nổ một thiết bị hạt nhân mới trong các đường hầm dưới lòng đất tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi chính thức đóng cửa vào năm 2018. Theo các nhà phân tích, việc Bình Nhưỡng tích hợp các đầu đạn nhỏ lên tên lửa tầm ngắn có thể thể hiện một sự thay đổi nguy hiểm trong cách họ triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Về mặt kỹ thuật, lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ tạm kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.


Phạm Nghĩa