Đây là đợt thử nghiệm vũ khí lần thứ 14 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm nay; diễn ra vài ngày trước ngày nhậm chức 10-5 của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người cam kết củng cố năng lực quốc phòng và thúc đẩy quan hệ Seoul-Washington để đối phó mối đe dọa gia tăng đến từ Bình Nhưỡng.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 4-5, Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử Lee Jong-sup cũng đã thể hiện lập trường cứng rắn với Triều Tiên khi cam kết củng cố liên minh quân sự Seoul-Washington, cũng như thúc đẩy “nền quốc phòng mạnh mẽ với quân đội vững chắc dựa trên khoa học – công nghệ” để đối phó một cách chủ động với “mối đe dọa đến từ mọi hướng”.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa hôm 4-5 của Triều Tiên. Ảnh: AP

Triều Tiên thời gian qua tăng tốc thử nghiệm vũ khí, nối lại các vụ phóng tên lửa tầm xa vào tháng rồi. Theo giới quan sát, tần suất phóng tên lửa cao bất thường của Triều Tiên trong năm nay là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang nỗ lực để hoàn thiện mục tiêu kép: Phát triển vũ khí và gia tăng sức ép lên Mỹ, buộc quốc gia này nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Một vài chuyên gia khẳng định với hãng tin AP rằng cách xử lý có phần chưa chủ động của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề Triều Tiên đang tạo ra khoảng trống gia tăng để quốc gia này mở rộng chương trình vũ khí.

Những hành động của chính quyền Tổng thống Biden về phía Triều Tiên đến giờ chỉ gói gọn quanh những biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng, bên cạnh những đề xuất đàm phán không được Bình Nhưỡng đánh giá cao.

Triều Tiên tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi chính quyền Tổng thống Biden từ bỏ “chính sách thù địch”, dường như ám chỉ lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn.


Cao Lực