Theo KCNA, tên lửa này là vũ khí chiến lược đã được phát triển trong 2 năm qua và là yếu tố quan trọng của kế hoạch 5 năm được vạch ra hồi tháng 1-2021 nhằm tăng cường kho vũ khí của Triều Tiên.

Ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ), nhận định tên lửa vừa được thử có khả năng bay ngoài tầm quét của radar và né tránh các hệ thống phòng thủ.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Lewis nói: “Kế hoạch của Triều Tiên là tấn công phủ đầu các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản nếu xảy ra xung đột. Tên lửa hành trình mang lại lợi thế đáng kể về tính bất ngờ, khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ và có độ chính xác cao”.

Người dân theo dõi thông tin về vụ thử tên lửa hành trình tầm xa của Triều Tiên tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc hôm 13-9 Ảnh: AP

Vụ thử diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Triều Tiên lún sâu vào cuộc chạy đua vũ trang nhằm tăng cường sức mạnh hải quân thông qua tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Theo tờ Korea Herald, đầu đạn hạt nhân giúp SLBM của Bình Nhưỡng mạnh hơn song Seoul lại dẫn trước về phát triển tàu ngầm.

Ông Shin Jong-woo, nhà phân tích cấp cao tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, cho biết Seoul không cạnh tranh được với Bình Nhưỡng, ít nhất là về SLBM, vì Hàn Quốc không thể sử dụng thiết bị hạt nhân. Thay vào đó, ông Shin kêu gọi Hàn Quốc tăng cường sức mạnh không quân bằng các máy bay chiến đấu tàng hình đời mới.

Triều Tiên cũng được cho là đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm 4.000 tấn có thể mang theo 6 SLBM nhưng không rõ tàu ngầm này có thể ở dưới nước bao lâu và ở độ sâu bao nhiêu – vốn là yếu tố quyết định cho một cuộc tấn công bất ngờ. Trong khi đó, Hàn Quốc nhiều khả năng bật đèn xanh phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.


Xuân Mai

Chia sẻ