Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), 2 “tên lửa đạn đạo tầm ngắn” được phóng từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên, rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Khẳng định đây là hành động đe dọa “hòa bình và an toàn của Nhật Bản nói riêng và khu vực nói chung”, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ với Washington và Seoul về các hoạt động thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng.

Truyền hình Hàn Quốc chiếu bản tin về cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 25-3 Ảnh: AP

Chuyên gia Harry J. Kazianis của Trung tâm Vì lợi ích quốc gia Mỹ cho rằng hành động trên nhiều khả năng chỉ nhằm phản ứng việc Mỹ xem nhẹ vụ thử tên lửa hành trình của Triều Tiên trước đó vài ngày.

Dù vậy, một số nhà phân tích khác cho rằng Bình Nhưỡng sẽ từng bước đẩy mạnh chiến lược phô trương vũ khí nhằm củng cố vị thế đàm phán giữa lúc chính quyền ông Biden đánh giá toàn diện chính sách ứng phó Triều Tiên.

Chuyên gia Cheong Seong-chang của Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) nhận định với hãng tin AP rằng trong trường hợp Tổng thống Biden áp lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến các vụ phóng tên lửa tầm ngắn, Bình Nhưỡng có thể lấy đó làm cái cớ để tiến hành những vụ thử vũ khí khiêu khích hơn, như phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Vụ phóng còn là một lời cảnh báo đến Washington rằng hành động của Bình Nhưỡng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào quyết định của ông Biden về việc tăng cường trừng phạt, đàm phán hay kết hợp cả hai để đối phó với mối đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Theo một số chuyên gia, vụ thử tên lửa mới nhất không đồng nghĩa nỗ lực ngoại giao phi hạt nhân hóa đã “chết”, song chúng nêu bật một thực tế không mấy dễ chịu đối với ông chủ Nhà Trắng: Kho vũ khí hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đang mở rộng từng ngày và nếu không sớm đạt được thỏa thuận nhằm làm giảm rủi ro từ nó thì tình hình sẽ càng tồi tệ hơn.

Theo Reuters, Bình Nhưỡng đến giờ vẫn phớt lờ mọi nỗ lực liên lạc ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden, nói rằng họ sẽ không tham gia các cuộc thảo luận trừ khi Washington từ bỏ chính sách “thù địch”.


Cao Lực

Chia sẻ