Tranh cãi đang nổ ra ở Mỹ quanh chuyện ngày càng có nhiều bang bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp hạn chế Covid-19, bất chấp cảnh báo của nhiều quan chức y tế liên bang về nguy cơ số ca mới tăng trở lại. Theo báo The New York Times, 3 bang Arizona, California và Nam Carolina là những cái tên mới nhất gia nhập danh sách trên với mức độ nới lỏng khác nhau.

Chẳng hạn, Thống đốc bang Arizona Doug Ducey (người Đảng Cộng hòa) cho phép nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng tập gym và công viên nước hoạt động hết công suất nhưng vẫn yêu cầu thực thi các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Trong khi đó, Thống đốc bang Nam Carolina Henry McMaster (cũng là người Đảng Cộng hòa) bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong các tòa nhà của chính quyền và đề nghị các nhà hàng tiếp tục yêu cầu khách đeo khẩu trang.

Riêng bang California sẽ cho phép các công viên giải trí, sân vận động ngoài trời nối lại hoạt động từ ngày 1-4 nhưng vẫn bị hạn chế về công suất và duy trì quy định đeo khẩu trang. Trước đó, thống đốc 2 bang Texas và Mississippi (đều là người Đảng Cộng hòa) đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, dẫn đến chỉ trích của Tổng thống Joe Biden.

Người dân xếp hàng để được tiêm vắc-xin Covid-19 tại TP New York – Mỹ hôm 6-3 Ảnh: REUTERS

Ông Anthony Fauci, Cố vấn Y tế Nhà Trắng, cho biết số ca Covid-19 mới ở Mỹ hiện vẫn ở mức cao (60.000-70.000 ca/ngày) và điều này đồng nghĩa vẫn còn nguy cơ xảy ra một đợt bùng phát nghiêm trọng khác. Theo ông Fauci, chỉ nên nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca mới giảm xuống dưới mức 10.000 người/ngày hoặc ít hơn.

Tương tự, bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thúc giục các bang chưa nên dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19. Theo một nghiên cứu mới của CDC, những hạt nào ở Mỹ cho phép nhà hàng mở cửa đón khách đều chứng kiến sự gia tăng số ca Covid-19 mới những tuần sau đó. Ngược lại, những hạt nào bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng ghi nhận sự sụt giảm số trường hợp nhiễm mới và ca tử vong trong vòng vài tuần sau đó.

Không có gì lạ khi một số thống đốc bang của Đảng Cộng hòa vẫn tỏ ra thận trọng. Chẳng hạn, Thống đốc Mike DeWine của bang Ohio tuyên bố sẽ chỉ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan một khi số ca mới giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định nào đó. Trong khi đó, Thống đốc Kay Ivey của bang Alabama cho biết sẽ gia hạn quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng đến ngày 9-4.

Trang Politico nhận định những diễn biến trên đe dọa đến nỗ lực của ông Joe Biden trong việc tìm kiếm sự thống nhất lưỡng đảng để chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn. Thách thức này càng được nêu bật tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD hôm 6-3.

Theo Reuters, dự luật về gói cứu trợ được thông qua với số tỉ lệ sít sao 50-49, với toàn bộ phiếu chống đến từ thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa. Dự luật không có điều khoản tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ nhưng đây vẫn là một trong những gói kích thích lớn nhất lịch sử Mỹ, qua đó mang lại cho ông Biden chiến thắng lập pháp đáng kể đầu tiên kể từ khi vào Nhà Trắng hồi tháng 1.

Dù vậy, cuộc đối đầu giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa về gói cứu trợ trên chắc chắn chưa khép lại khi dự luật cần qua ải Hạ viện để Tổng thống Joe Biden có thể ký ban hành thành luật. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bày tỏ hy vọng các hạ nghị sĩ sẽ thông qua dự luật trước ngày 14-3, thời điểm khoản trợ cấp thất nghiệp 300 USD/tuần hết hạn. 


Hoàng Phương

Chia sẻ