Một bác sĩ của chính phủ Bangladesh cho biết đây là những ca xác nhận dương tính đầu tiên tại trại Cox’s Bazar, nơi có khoảng 1 triệu người Rohingya đang sinh sống. Đài BBC dẫn lời các quan chức cho biết 2 người nhiễm bệnh đã được cách ly để chữa trị. Ngoài ra, khoảng 1.900 người tị nạn khác đang được xét nghiệm.

Những người Rohingya sống tại trại Cox’s Bazar đã sống trong tình trạng bị phong tỏa từ ngày 14-3.

Trong khi đó, tại Hy Lạp, nơi cũng có số lượng lớn người tị nạn, các quan chức đang hy vọng có thể dời chỗ ở của khoảng 1.600 người từ các trại tị nạn sang những nước khác khi đại dịch bớt nghiêm trọng. Đài BBC đưa tin hai người tị nạn đến đảo Lesbos – Hy Lạp vào tuần này xét nghiệm dương tính với Covid-19 và được cách ly. 

Người tị nạn Rohingya tại trại Cox’s Bazar – Bangladesh. Ảnh: Reuters

Các tổ chức cứu trợ đã cảnh báo suốt nhiều tuần về rủi ro tiềm tàng của virus SARS-CoV-2 lên những người tị nạn Rohingya đang sống trong tình trạng chen chúc và thiếu nước sạch. “Giờ virus đã xâm nhập vào trại tị nạn lớn nhất thế giới tại Cox’s Bazar, chúng tôi đang xem xét nguy cơ rất lớn rằng hàng ngàn người có thể chết vì Covid-19. Đại dịch này có thể khiến Bangladesh thụt lùi nhiều thập kỷ” – bác sĩ Shamim Jahan, giám đốc y tế của tổ chức Cứu trợ Trẻ em, nói.

Ông Manish Agrawal, giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Bangladesh, chỉ ra rằng có tới 40.000 đến 70.000 người tị nạn sinh sống mỗi km2. “Đó là mật độ cao gấp 1,6 lần so với du thuyền Diamond Princess, nơi Covid-19 lây lan nhanh hơn 4 lần so với TP Vũ Hán khi đang ở đỉnh dịch” – ông Agrawal nói với hãng tin Reuters.

Đài CNN trích dẫn số liệu từ trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho biết hơn 300.000 người trên thế giới đã tử vong vì Covid-19 tính đến ngày 14-5. Trong khi đó, số ca nhiễm toàn cầu tăng lên thành hơn 4,4 triệu ca. Tuy nhiên, do các quốc gia có nhiều cách tính số liệu khác nhau và tác động xã hội quá lớn của đại dịch, con số thật sự về tình trạng lây nhiễm và tử vong có thể cao hơn nhiều. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo virus SARS-CoV-2 “có thể sẽ không bao giờ biến mất”.


Bảo Hạnh (Theo BBC, CNN)

Chia sẻ