Người phụ nữ vừa nêu không được xác định danh tính. Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) chỉ cho biết người phụ nữ 28 tuổi, khởi hành từ TP Los Angeles (bang California – Mỹ) đến sân bay Sydney của Úc vào ngày 23-4.

Lực lượng Biên phòng Úc tìm thấy khẩu súng lục không được khai báo trong hành lý của cô này. Khẩu súng chưa được đăng ký và người phụ nữ không có giấy phép sở hữu súng ở Úc.

Người phụ nữ xuất hiện trước một tòa án địa phương hôm 24-4 và được bảo lãnh tại ngoại.

Nếu bị kết tội, cô này có thể nhận án tù lên tới 10 năm. Việc cô này có được tiếp tục ở lại Úc hay không thì tùy thuộc vào tòa án. Theo Lực lượng Biên phòng Úc, người phụ nữ Mỹ có thể bị hủy thị thực, trục xuất khỏi Úc.

Phụ nữ Mỹ đưa lậu khẩu súng lục mạ vàng 24 karat vào Úc. Ảnh: Lực lượng Biên phòng Úc

Khẩu súng trong hành lý của người phụ nữ. Ảnh: Lực lượng Biên phòng Úc

Chỉ huy ABF Justin Bathurst đánh giá cao sự kết hợp giữa khả năng của ABF và công nghệ hiện đại đã giúp ngăn chặn vũ khí nguy hiểm tiếp cận cộng đồng. ABF là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của Úc.

Úc được đề cao trong việc kiểm soát súng bằng hành động quyết đoán, giúp giảm tỉ lệ người tử vong vì bạo lực súng đạn. Quốc gia này đã thực hiện các biện pháp kiểm soát súng sâu rộng sau khi tay súng đơn độc sát hại 35 người ở TP Port Arthur thuộc bang Tasmania vào tháng 4-1996.

Từ đó, Úc có một số quy định khắt khe nhất thế giới về quyền sở hữu súng. Úc cấm sử dụng và bán vũ khí bán tự động trong phần lớn các trường hợp, giấy phép sử dụng súng chỉ có thể được cấp cho những người trên 18 tuổi, tự vệ không còn là lý do hợp lệ để mua súng…

Việc đem lậu súng hay sở hữu một khẩu súng không đăng ký là bất hợp pháp ở nước này. Hình phạt tối đa cho việc đem lậu súng vào Úc là 10 năm tù. Trong khi đó, những người sở hữu một khẩu súng không đăng ký sẽ bị phạt tới 225.000 USD và ngồi tù đến 14 năm.

Theo đài CNN, ở Úc, cứ 100 người thì có 14 khẩu súng. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà dân thường sở hữu số súng nhiều hơn số dân thường: cứ 100 người thì có 120 khẩu súng.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ có nhiều người chết vì bạo lực súng đạn hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác tính theo đầu người. Tỉ lệ này ở Mỹ cao gấp 8 lần so với ở Canada, quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng cao thứ 7 trên thế giới; cao gấp 22 lần so với ở Liên minh châu Âu (EU) và 23 lần so với ở Úc, theo dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) từ năm 2019.


Huệ Bình