“Nga muốn chúng tôi sợ hãi. Họ muốn phương Tây sợ hãi với sức mạnh của mình. Đó không phải là chuyện bí mật” – Tổng thống Zelensky khẳng định với tạp chí Time ngày 12-4.

Cũng theo ông Zelensky, Nga hy vọng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine lung lay và những gì đang diễn ra ở biên giới Ukraine “là một phép thử”.

Tổng thống Zelensky đến tiền tuyến sau khi Nga điều quân ồ ạt đến biên giới Ukraine. Mặc dù Moscow khẳng định hành động của họ chỉ nhằm tự vệ, các nước phương Tây lo ngại sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện.

Ảnh chụp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại tiền tuyến phía Đông của nước này. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab khẳng định London và Washington “phản đối mạnh mẽ” điều họ mô tả là “chiến dịch gây bất ổn khu vực” của Nga.

Trong tuyên bố chung ngày 12-4, các bộ trưởng ngoại giao G7 (nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới) kêu gọi Nga dừng “các hành động khiêu khích” để “xuống thang căng thẳng”.

Tuyên bố chung khẳng định G7 “quan ngại sâu sắc với sự hiện diện quân sự quy mô lớn hiện tại của Nga ở biên giới Ukraine. Hành động điều quân ồ ạt, không báo trước khiến sự ổn định của khu vực bị đe dọa”.

Nhà Trắng tuần này khẳng định lượng binh sĩ Nga tại biên giới Ukraine đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2014 khi xung đột nổ ra.

Ảnh chụp được cho là xe tăng Nga đến biên giới Ukraine. Ảnh: News.com.au

Vào cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về “hậu quả” nếu Nga hành xử “hung hăng” với Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Các lực lượng vũ trang Nga hiện diện trên lãnh thổ Nga, tại những nơi được Nga xem là cần thiết và phù hợp. Họ sẽ ở đó cho đến khi lãnh đạo quân sự và tư lệnh tối cao của chúng tôi nhận thấy sự hiện diện này không còn phù hợp”.


Cao Lực

Chia sẻ