Trong phát biểu công khai đầu tiên về cuộc giao tranh nổ ra từ ngày 27-9, ông Putin gọi đó là một “thảm kịch” chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nga đã duy trì sự cân bằng giữa 2 nước láng giềng của Liên Xô cũ và kêu gọi ngừng bắn nhưng không công khai ủng hộ bên nào.

“Người dân đang chết dần. Cả 2 bên đều thiệt hại nặng nề và chúng tôi hi vọng rằng cuộc giao tranh sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt” – ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Tổng thống Nga nhấn mạnh Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga đứng đầu cùng 6 nước thuộc Liên Xô cũ. Azerbaijan và khu tự trị Nagorno-Karabakh không thuộc CSTO. Nagorno-Karabakh là vùng đất nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan như đã tách khỏi sự kiểm soát Azerbaijan vào những năm 1990. Cộng đồng quốc tế vẫn công nhận Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu lên tiếng về giao tranh giữa Amernia và Azerbaijan. Ảnh: Điện Kremlin

“Chúng tôi có những nghĩa vụ nhất định theo hiệp ước này. Nga luôn tôn trọng và sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình. Thật đáng tiếc khi các hành động thù địch vẫn tiếp diễn nhưng chúng không xảy ra trên lãnh thổ của Armenia” – đài phát thanh Rossia 24 dẫn lời ông Putin. 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov thì rõ ràng hơn khi cho biết các nghĩa vụ của Nga trong CSTO “không bao gồm Karabakh”.

Tờ The Moscow Times đưa tin ông Putin đã nói chuyện với thủ tướng Armenia ít nhất 5 lần kể từ khi xung đột nổ ra. Sau đó, vào ngày 7-10, ông có cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống Azerbaijan.

Cuộc xung đột Nagorno – Karabakh vẫn âm ỉ kể từ lệnh ngừng bắn năm 1994, gần đây nhất là nổ ra giao tranh 6 ngày vào năm 2016 và trong các cuộc đụng độ vào tháng 7- 2020.

Sau 10 ngày giao chiến vừa qua, theo Reuters, đã có hơn 360 người thiệt mạng, bao gồm 320 binh sĩ và 19 thường dân ở Nagorno-Karabakh, 28 cư dân Azerbaijan. Cuộc chiến năm 1991-1994 liên quan đến Nagorno-Karabakh làm chết khoảng 30.000 người.

Một binh lính Armenia đấu pháo với lực lượng Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP

Nagorno-Karabakh đang chìm trong khói lửa. Ảnh: AP

Theo các báo cáo, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lính đánh thuê và máy bay không người lái của Syria để hỗ trợ đồng minh Azerbaijan trong trận giao tranh mới nhất. Các nhà phân tích cho rằng sự can dự trực tiếp của Ankara có nguy cơ kéo Nga vào một cuộc xung đột quy mô lớn.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang “cố gắng khôi phục đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ” bằng “các cuộc tấn công khủng bố” để ủng hộ người Azerbaijan ở Karabakh. Ông Pashinyan cho rằng các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan trong khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh đã góp phần gây ra sự tiếp diễn của cuộc diệt chủng Armenia.

Thời Đế chế Ottoman, đã có 1,5 triệu người Armenia bị giết hại từ năm 1915-1923.

Hãng Reuters đưa tin Pháp, Mỹ và Nga sẽ tiếp tục nỗ lực chấm dứt giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia bằng cách tổ chức đàm phán ở TP Geneva – Thụy Sĩ vào ngày 8-10. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết các đại diện của 3 nước cũng sẽ gặp nhau tại Moscow vào ngày 12-10 để tìm cách thuyết phục các bên đàm phán thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Le Drian không nói rõ liệu có đại diện của Armenia hay Azerbaijan tham gia hay không nhưng Azerbaijan thông báo Bộ trưởng Ngoại giao Jeyhun Bayramov sẽ đến Geneva vào ngày 8-10. Trong khi đó, Armenia cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Zohrab Mnatsakanya sẽ thăm Moscow ngày 12-10 nhưng không cho biết chi tiết.


Bảo Hạnh (Theo Moscow Times, Daily Mail, Reuters)

Chia sẻ