Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo được lên lịch vào lúc 14 giờ ngày 21-5 (giờ địa phương). Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden “rất mong có cơ hội để có thể gặp trực tiếp” ông Zelensky.

Tổng thống Ukraine đã đến Nhật Bản trên một chiếc máy bay của Chính phủ Pháp vào ngày 20-5 để thảo luận về sự hỗ trợ quân sự lớn hơn từ Mỹ và các thành viên Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) khác. Chiếc máy bay này đã dừng tại Ả Rập Saudi trước khi tới Hiroshima – địa điểm diễn ra cuộc họp thượng đỉnh G7.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Hiroshima ngày 20-5. Ảnh: Reuters

Sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Zelensky tại cuộc họp của G7 diễn ra ngay sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ cho phép các nước đồng minh cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F16 do Mỹ chế tạo.

Trong khi đó, tờ The Guardian đưa tin Anh tuyên bố sẽ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine điều khiển F-16 trong vòng vài tháng tới. Tuần trước, Anh và Hà Lan được cho là đang xây dựng một “liên minh quốc tế” nhằm hỗ trợ Ukraine nhận được tiêm kích F-16.

Theo Thủ tướng Anh Rishi Sunak, sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản đã gửi một “thông điệp cực kỳ mạnh mẽ” tới Nga rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đang đứng sau ông Zelensky.

Ông Rishi Sunak nói: “Tôi rất vui khi G7 đã nhất trí về tầm quan trọng của việc trao cho Tổng thống Zelensky các thiết bị quân sự tiên tiến cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến này”. Các nguồn tin của tờ The Guardian cho biết ông Sunak từng gợi ý Tổng thống Ukraine nên đến phát biểu tại G7.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky gặp trực tiếp ở Nhật Bản. Ảnh: AP

  • Hội nghị G7: Trung Quốc phản ứng; Tổng thống Ukraine đến Nhật

Tổng thống Zelensky đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào ngày 20-5. Ông Zelensky cho biết ông đã đề nghị Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giúp thực hiện kế hoạch hòa bình của Ukraine để giúp kết thúc cuộc xung đột. Về phía Ấn Độ, ông Modi khẳng định Ấn Độ sẽ làm “mọi thứ có thể” để giúp kết thúc cuộc xung đột.

Ông Zelensky nói: “Công thức hòa bình, chúng tôi đã thu hút được rất nhiều quốc gia và nhà lãnh đạo trên thế quan tâm tới vận mệnh của Ukraine. Quốc phòng: vũ khí, hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu. Các chương trình viện trợ lâu dài cho Ukraine. Tài chính và kinh tế. Ngày đầu tiên tại G7 thật tích cực. Ngày thứ 2 sẽ còn tích cực hơn thế nữa”. Bên cạnh đó, ông Zelensky cũng có cơ hội vận động lãnh đạo một số nước không tham gia trừng phạt Nga, như Ấn Độ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước G7 kiềm chế không chia thế giới thành các khối theo kiểu Chiến tranh Lạnh liên kết với Mỹ hoặc Trung Quốc.

Phát biểu với Kyodo News của Nhật Bản khi các nhà lãnh đạo của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ gặp nhau tại Hiroshima vào ngày 20-5, ông Guterres kêu gọi “đối thoại và hợp tác tích cực” giữa các quốc gia G7 và Trung Quốc về các vấn đề biến đổi khí hậu và sự phát triển chung. Ông Guterres nói: “Tôi tin rằng điều quan trọng là tránh chia thế giới thành hai phần và tạo cầu nối cho các cuộc đàm phán nghiêm túc”.

Ông Guterres đã nhiều lần cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh đang âm ỉ giữa các quốc gia phương Tây và Trung Quốc trong những năm gần đây, gọi các lợi ích kinh tế, chính trị và quân sự khác nhau của cả hai bên là “rạn nứt lớn”.


Huệ Bình