Phát ngôn trên được đưa ra khi ông Biden nói chuyện với báo chí ở bang Delaware, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid vào tuần tới.

Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) chưa trao quy chế ứng cử viên EU ngay lập tức cho Ukraine, bước đầu tiên trong quá trình gia nhập có thể kéo dài hàng thập kỷ. 

Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Kiev vào tuần trước, Paris và Berlin ủng hộ ý tưởng “ngay lập tức” trao quy chế ứng cử viên EU cho Ukraine. Thủ tướng Olaf Scholz nói với hãng tin DPA rằng Đức “muốn có một quyết định tích cực có lợi cho Ukraine với tư cách là một quốc gia ứng cử viên của EU”.

Ý và Romania cũng ủng hộ động thái này. Dự kiến trong tuần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ chấp thuận cho Ukraine trở thành ứng cử viên chính thức để gia nhập liên minh, quyết định có thể coi là một thắng lợi giành cho Kiev.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Ukraine “rất có thể” trở thành thành viên của EU. Ảnh: AP

Theo đài RT, đây là sự thay đổi so với cuối tháng 5. Khi đó, Thủ tướng Ý Mario Draghi tiết lộ chỉ có Rome ủng hộ việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên, trong khi tất cả các thành viên EU lớn khác đều phản đối. Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng các quan chức của khối sẽ cố gắng nhanh chóng soạn thảo một đề xuất về cách Kiev có thể gia nhập vào khoảng tháng 6.

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU vào ngày 28-2, bốn ngày sau khi bùng phát xung đột với Nga. Hội đồng châu Âu ghi nhận nguyện vọng trên của Ukraine và nhanh chóng chuyển thủ tục giấy tờ của Kiev cho Ủy ban châu Âu. Nga tuyên bố việc Ukraine trở thành thành viên EU là một điều không thể chấp nhận được.

Nói về khả năng đến thăm Ukraine hôm 20-6, Tổng thống Biden tỏ ra lấp lửng. Ông Biden nói với các phóng viên rằng chuyến thăm như vậy sẽ phụ thuộc vào “rất nhiều thứ, liệu nó có gây ra nhiều khó khăn hơn cho Kiev hay không, liệu nó có làm mất tập trung vào những gì đang diễn ra hay không”.

Ông Biden nói rằng một chuyến đi như vậy khó có thể xảy ra trong chuyến công du châu Âu lần này. Tuy nhiên, ông vẫn liên hệ chặt chẽ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nói chuyện với nhà lãnh đạo này “3 – 4 lần một tuần”.

Moscow tuyên bố chiếm được Toshkivka, một thị trấn ở bờ tây sông Siverskyi Donets. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev đang tham gia vào “các cuộc đàm phán phức tạp” nhằm giải tỏa các cảng nước này khỏi sự phong tỏa của Nga. “Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ tiến triển nào. Đó là lý do vì sao cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ kéo dài, chừng nào chiến dịch quân sự này còn tiếp diễn” – ông Zelensky nói.

Lực lượng Moscow tuyên bố đã chiếm được Toshkivka, một thị trấn ở bờ Tây sông Siverskyi Donets, phía Nam TP Sievierodonetsk. Chính quyền Kiev sau đó cũng xác nhận chiến thắng của Moscow ở Toshkivka và cho biết Nga đang cố gắng tạo bước đột phá ở khu vực phía Đông Donbas do Ukraine nắm giữ.

Tại TP cảng Odessa, quân đội Ukraine cho biết Nga đã tấn công tên lửa và phá hủy một kho lương thực vào hôm 20-6 nhưng không có dân thường nào thương vong.

Tổng thống Biden sẽ đến Đức vào ngày 25-6 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ ngày 26 đến 28-6. Tiếp đó, ông Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 29 và 30-6 tại Tây Ban Nha.


Huệ Bình