Vài ngày trước, số lượng máy bay Trung Quốc cao kỷ lục bay vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.

Theo Reuters, trong vòng 4 ngày từ hôm 1-10, Đài Loan cho biết gần 150 máy bay của không quân Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan, động thái mà Đài Bắc cho là quấy rối hòn đảo. Trưởng Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính cảnh báo nguy cơ khai hỏa sai lầm ở eo biển Đài Loan.

Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) Khâu Quốc Chính. Ảnh: Reuters

“Là một quân nhân, tôi nhìn thấy sự cấp bách ngay trước mắt” – ông Khâu nói trước một ủy ban đang xem xét kế hoạch chi tiêu quân sự trị giá 8,6 tỉ USD trong 5 năm tới cho các loại vũ khí sản xuất tại hòn đảo gồm tên lửa và tàu chiến.

Theo ông Khâu, Đài Loan có khả năng bị tấn công và có thể bị tấn công toàn diện vào năm 2025.

Trong diễn biến căng thẳng ở khu vực, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai bên thống nhất sẽ tuân thủ thỏa thuận về Đài Loan. Tuyên bố của Tổng thống Biden được cho là đề cập đến chính sách “một Trung Quốc” của Washington, chỉ chính thức công nhận Trung Quốc và Đạo luật Quan hệ Đài Loan.

Theo đạo luật, Washington quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thay vì Đài Loan với kỳ vọng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình. Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết đã làm rõ với phía Mỹ về tuyên bố của ông Biden và được trấn an rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, Washington sẽ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ.

Trước đó, Mỹ đã thúc giục Trung Quốc ngừng các hoạt động quân sự gần Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 3-10 cho biết: “Mỹ rất lo ngại về hoạt động quân sự khiêu khích của Trung Quốc gần Đài Loan, gây mất ổn định, có nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm và phá hoại hòa bình và sự ổn định của khu vực”.

Trong khi đó, một phái đoàn thượng nghị sĩ Pháp đã đến Đài Loan hôm 6-10 bất chấp phản đối từ Trung Quốc.


Xuân Mai

Chia sẻ