Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành phần lớn thời gian để phàn nàn về những chuyện có từ cuối thời chiến tranh lạnh khi gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Moscow vào đầu tuần này.

Theo một số nguồn tin Pháp, ông Macrcon không khỏi sửng sốt khi ông Putin trở thành người khác hẳn so với khi hai nhà lãnh đạo này gặp nhau ở Pháp 3 năm trước.

Trong cuộc gặp mới nhất, nhà lãnh đạo Nga đã nói đến niềm tin rằng chính phương Tây đã phá vỡ cam kết với Nga thông qua việc NATO kết nạp thêm thành viên cũ của Liên Xô kể từ năm 1997.

Ông Putin cũng thường xuyên đề cập đến thỏa thuận của NATO năm 1997, theo đó mở đường cho Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech gia nhập khối này. Theo ông Putin, NATO đã phản bội lời hứa trước đó về việc không mở rộng.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Moscow hôm 7-2. Ảnh: Reuters

Ông Putin cũng nhắc đến những gì diễn ra ở Ukraine thời gian qua, trong đó có làn sóng biểu tình năm 2014 buộc Tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych thân Moscow phải chạy sang Nga và việc ông Volodymyr Zelenskiy được bầu làm tổng thống Ukraine năm 2019.

“Ông ấy nói đó (vụ việc năm 2014) là một cuộc đảo chính và ông Zelenskiy đang chịu sự kiểm soát của Mỹ” – một nguồn tin tiết lộ.

Tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, ông Putin không hề che giấu sự bất bình khi chỉ trích phương Tây không quan tâm đến những quan ngại an ninh của Nga.

Tóm lại, ông Putin không ngừng nói về chuyện viết lại lịch sử kể từ năm 1997 trong lúc nhà lãnh đạo Pháp tìm cách hướng cuộc hội đàm đến những vấn đề nóng hiện nay. “Cuộc hội đàm khiến chúng tôi nhận thấy ông Putin hiện là một người khác so với 3 năm trước” – nguồn tin giấu tên này nhận định.

Ông Macron cũng nói với đội ngũ phụ tá rằng vào thời điểm hai ông gặp nhau ở Pháp năm 2019, ông chủ Điện Kremlin dường như “ít cứng rắn và ít tập trung đến vấn đề lịch sử” hơn so với lần hội đàm mới nhất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Moscow hôm 7-2. Ảnh: Reuters

Phía Pháp đưa ra bình luận trên trong bối cảnh Nga tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới với Ukraine, tiến hành tập trận quân sự tại nước láng giềng Belarus và biển Đen. Trong khi đó, các lãnh đạo phương Tây cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột nghiêm trọng. Washington thậm chí còn cáo buộc Moscow chuẩn bị tấn công Kiev dù Moscow khẳng định không có kế hoạch làm thế.

Kể từ khi căng thẳng nổ ra vào tháng 12-2021, ông Macron là lãnh đạo quốc gia phương Tây lớn đầu tiên đến Msocow trong nỗ lực hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay. Sau cuộc gặp ông Putin, nhà lãnh đạo Pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang vẫn hiện hữu nhưng tin tưởng cơ hội tìm giải pháp xuống thang căng thẳng không phải là không có. 


Phương Võ

Chia sẻ