Một số nhà khoa học cho rằng virus có thể đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Trung Quốc dù nước này bác bỏ, trong khi một số nhà khoa học khác nhận định virus SARS-CoV-2, cũng giống như SARS, Ebola, MERS và HIV, đã lây lan từ động vật hoang dã sang người.

Sau khi các ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, bên cạnh các báo cáo cho rằng có sự che giấu dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh thì WHO chậm trễ trong việc tuyên bố đợt bùng phát ở Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp.

Các cuộc xét nghiệm và truy vết ca nhiễm trên toàn cầu diễn ra chậm trong khi các biện pháp phòng dịch, phong tỏa được ban bố một cách hỗn loạn và vắc-xin chưa được phân phối công bằng. Kịch bản dịch bệnh trong tương lai có thể còn tồi tệ hơn và đại dịch tiếp theo có khả năng xuất hiện bất cứ lúc nào. Việc ngăn chặn đại dịch từ trước khi chúng bắt đầu lan rộng là cần thiết.

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong cuộc chiến chống đại dịch tương tự trong tương lai là vấn đề tốc độ, từ khâu phát triển vắc-xin đến cấp phép và phân phối không chỉ dành cho những người có đủ khả năng chi trả.

Nhân viên an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán trong lúc diễn ra chuyến thăm của một nhóm điều tra của WHO về nguồn gốc dịch bệnh ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc hồi tháng 2 Ảnh: REUTERS

Đó là bước đi có thể cứu sống nhiều người và chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu. Ông Seth Berkley, Tổng Giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), nhận định để tránh lặp lại thảm họa dịch bệnh trong tương lai, thế giới cần tìm ra giải pháp giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, đồng nghĩa với việc vắc-xin phải sẵn sàng được cung cấp trong vòng 100 ngày sau khi đại dịch được công bố.

Trước hết là khả năng phát triển và phê duyệt nhanh chóng các loại vắc-xin tiềm năng ngừa các đại dịch mới. Tiếp đến là toàn cầu hóa trong quá trình sản xuất vắc-xin thông qua chuyển giao công nghệ, đa dạng địa lý các địa điểm sản xuất để khẩn trương tạo ra số lượng cực lớn, nhiều hơn mức bình thường được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm. Điều quan trọng cuối cùng là một mạng lưới phân phối toàn cầu và các chuỗi cung ứng để đưa vắc-xin đến với người dân khắp nơi trên thế giới.

Ông Berkley nói với tạp chí khoa học Scientific American (Mỹ) rằng hơn 1,5 tỉ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được sản xuất nhưng thế giới vẫn chứng kiến chủ nghĩa vắc-xin và những rào cản xuất khẩu tương tự dịch cúm H1N1 vào năm 2009. Khi đó, gần như toàn bộ nguồn cung vắc-xin toàn cầu thuộc sở hữu của một số ít các quốc gia giàu có trong khi phần còn lại thế giới chỉ nhận được số lượng hạn chế.

Vấn đề không chỉ nằm ở tốc độ phát triển và phân phối vắc-xin mà còn là giai đoạn từ trước khi có người đầu tiên nhiễm bệnh. Ông Aaron Bernstein, Giám đốc Trung tâm Khí hậu, Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại Trường ĐH Harvard, cho rằng có rất ít sự chú ý dành cho việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của đại dịch và mối quan hệ giữa con người với thế giới hoang dã đang khiến khả năng dịch bệnh lây lan từ động vật sang người ngày càng tăng.

Chuyên gia này cho rằng thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học chưa từng có trong lịch sử. Cụ thể, nếu một khu rừng bị khai thác, nhiều khả năng động vật hoang dã sẽ mất nơi sinh sống, di chuyển đến các khu vực đông dân cư hơn và tiếp cận với con người nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ lây lan virus sang người.

Trong một nghiên cứu trước đây, ông Bernstein ước tính cần khoảng 30 tỉ USD/năm, con số khiêm tốn so với tổn hại kinh tế do đại dịch Covid-19, để thực hiện biện pháp bảo vệ thiên nhiên và động vật trong chăn nuôi cũng như ngăn chặn đại dịch tiếp theo.


Xuân Mai

Chia sẻ