Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump và người ủng hộ đang hy vọng vụ kiện trên có thể đảo ngược kết quả thắng cử của ông Joe Biden dù các chuyên gia nhận định khả năng thành công của nó là rất thấp.

Vụ kiện yêu cầu Tòa án Tối cao ngăn 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin bỏ phiếu đại cử tri cho ông Joe Biden vào ngày 14-12 tới sau khi ông Biden thắng phiếu phổ thông tại các bang này trong cuộc bầu cử hôm 3-11.

Bản thân ông Trump và ít nhất 17 bang, 106 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ủng hộ vụ kiện. Trong khi đó, hơn 25 bang và vùng lãnh thổ Mỹ kêu gọi tòa bác bỏ vụ kiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton (thứ hai từ trái sang) tại TP Austin vò đầu năm nay. Ảnh: The New York Times

Ông Ken Paxton. Ảnh: BOB DAEMMRICH/ZUMA PRESS

Vấn đề được quan tâm lúc này là liệu Texas có được phép đệ đơn kiện nói trên lên Tòa án Tối cao hay không.

Hầu hết vụ kiện phải qua các tòa án cấp dưới trước khi đến Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, Hiến pháp cho phép các bang đệ đơn kiện bang khác trực tiếp lên Tòa án Tối cao mà không cần qua các tòa cấp thấp. Vấn đề là tòa này chỉ thụ lý những vụ kiện như thế chỉ khi nào bên nguyên chứng minh được không có nơi nào khác giải quyết được những vấn đề tranh chấp.

Tòa án tối cao có thể đồng ý thụ lý vụ kiện mà không đưa ra phán quyết về tính đúng sai của nó hoặc có thể bác vụ kiện ngay từ đầu.

Theo tờ The Wall Street Journal, quyết định có thụ lý vụ án hay không có thể được đưa ra sớm nhất là vào tối ngày 10-12 hoặc trong ngày 11-12 (giờ địa phương). 5/9 thẩm phán Tòa án Tối cao cần phải đồng ý để vụ kiện được đi tiếp.

Nhiều chuyên gia về hiến pháp không tin Tòa án Tối cao sẽ đồng ý xem xét một vụ kiện đề xuất tước quyền bỏ phiếu của hàng triệu cử tri.

Theo trang Bloomberg, cũng có khả năng các thẩm phán không nói gì cho đến khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức để, qua đó khiến vụ kiện trở nên vô nghĩa. Còn trong trường hợp các thẩm phán đưa ra phán quyết, nó cũng sẽ không thay đổi kết quả bầu cử.


Phương Võ

Chia sẻ