Ngày 1-12, tờ Financial Times dẫn lời 5 người thạo tin trong nhóm chuyển giao của ông Biden cho biết ông đang cân nhắc tạo ra vai trò trên trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Động thái trên nhấn mạnh khu vực châu Á đã trở nên quan trọng hơn kể từ chính sách “Xoay trục sang châu Á” của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

“Ông Biden liên tục nói rõ rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một trong những cơ hội khổng lồ nhưng cũng là nơi lợi ích và giá trị của chúng ta đang đối mặt với thách thức ngày càng tăng” – một quan chức trong nhóm của ông Biden tiết lộ. Người này nói thêm rằng chính quyền mới sẽ tạo lập “nhân sự và cơ cấu phù hợp” để thúc đẩy lợi ích và giá trị của Mỹ bên cạnh các đồng minh.

Chức vụ chuyên gia châu Á là một trong những ý tưởng đang được ông Jake Sullivan, người sắp trở thành cố vấn an ninh quốc gia, cân nhắc. Bất kỳ động thái nào cũng phản ánh quan hệ ngày càng phức tạp và căng thẳng của Mỹ – Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump. Nó cũng nhấn mạnh thách thức mà Washington và các đồng minh phải đối mặt trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. 

Ông Joe Biden cân nhắc bổ nhiệm một nhân viên Nhà Trắng chuyên phụ trách về châu Á. Ảnh: Reuters

Ông Biden sẽ phải giải quyết một loạt những vấn đề nhạy cảm như Tân Cương, Hồng Kông… Những thách thức này xuất hiện trong bối cảnh 2 đảng trở nên nhất trí rằng tổng thống sắp tới phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Ông Biden cũng sẽ đối mặt một loạt vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời phải quyết định mức độ quyết liệt để đối đầu với các công ty Trung Quốc gây lo ngại về an ninh quốc gia. Trước cuộc bầu cử Mỹ, ê kíp của ông Biden đã trưng cầu ý kiến của một loạt các chuyên gia châu Á, bao gồm cả đề xuất tạo ra một chức vụ chuyên trách của khu vực có vai trò bao trùm trong chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều quan chức tiết lộ ý tưởng này không thu hút được sự ủng hộ. Một số cố vấn tranh luận rằng điều này sẽ có lợi cho Trung Quốc khi để Bắc Kinh tập trung áp lực vào một nhân vật quan trọng. Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về vấn đề này.

Một khả năng khác là chính quyền mới sẽ bổ nhiệm 3 giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia quản lý 3 khu vực dưới quyền một người khác. Một người chịu trách nhiệm giám sát Trung Quốc, người thứ 2 quản lý Ấn Độ và người thứ 3 tập trung vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chưa vội dỡ bỏ thuế đối với Trung Quốc

Trong một diễn biến khác, tờ New York Times (NYT) ngày 1-12 dẫn lời ông Biden cho biết ông sẽ không lập tức hủy bỏ Giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại mà ông Trump ký với Trung Quốc hay bắt đầu dỡ bỏ áp đặt thuế với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong bài phỏng vấn với NYT, ông Biden cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là thúc đẩy một gói kích thích kinh tế lớn thông qua Quốc hội kể cả trước khi ông lên nắm quyền. Ngoài ra, ông sẽ theo đuổi các chính sách nhắm vào những “hành vi sai trái” của Trung Quốc, ví dụ như “đánh cắp tài sản trí tuệ, bán phá giá sản phẩm, trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn” và ép buộc “chuyển giao công nghệ” từ các công ty Mỹ cho các đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển sự đồng thuận của hai đảng trong nước và tập trung nỗ lực của chính phủ về việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục để cho phép các công ty cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Biden đề xuất phát triển “chiến lược gắn kết” với các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu và châu Á.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết trong năm nay, Trung Quốc đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong giai đoạn 2020-2021. Khoảng 250 tỉ USD hàng hóa và linh kiện công nghiệp của Trung Quốc được các nhà sản xuất Mỹ sử dụng cũng được hoãn tăng thuế từ mức 25% hiện tại.

Về vấn đề Iran, ông Biden giữ nguyên quan điểm rằng chính quyền của ông sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Tehran “tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân”. “Với sự tham vấn của các đồng minh và đối tác, chúng tôi sẽ tham gia đàm phán và thỏa thuận tiếp theo nhằm thắt chặt và kéo dài các ràng buộc hạt nhân của Iran cũng như giải quyết chương trình tên lửa của nước này” – ông Biden nói.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết nước ông sẽ thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu ông Biden dỡ bỏ lệnh trừng phạt một khi trở thành tổng thống Mỹ.


Bảo Hạnh – Phạm Nghĩa

Chia sẻ