Cụ thể, Tổng thống Nga Putin đã không trao đổi với ông Antonov kể từ khi vị đại sứ 66 tuổi được đặc phái tới Mỹ năm 2017.

Thông tin bất ngờ trên được chính vị đại sứ Antonov tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với trang Politico, công bố hôm 18-4.

“Tôi và Tổng thống Putin cũng không trao đổi gì trong những tuần gần đây khi mà Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến cho căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang” – trang Politico dẫn lời đại sứ Antonov.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết không trao đổi với Tổng thống Putin kể từ năm 2017. Ảnh: Mark Wilson

Tuy nhiên, vị đại sứ Nga tại Mỹ nhấn mạnh việc thiếu liên lạc với Tổng thống Putin không đồng nghĩa ông không được Điện Kremlin ủng hộ.

“Tôi thường xuyên trao đổi với quan chức cấp cao ở Moskva và các cơ quan chính phủ khác. Chúng tôi có cơ chế làm việc khác” – ông Antonov nói thêm.

Khi được trang Politico đặt câu hỏi liệu ông có cố liện lạc qua điện thoại với Tổng thống Putin hay không, đại sứ Nga tại Mỹ trả lời: “Làm như thế chẳng khác nào tạo cơ hội cho FBI có thể nghe tất cả những gì Tổng thống Putin có thể nói với tôi sao?”.

Đại sứ Nga tại Mỹ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Tổng thống Putin không nắm được toàn bộ thông tin về chiến sự ở Ukraine.

“Tổng thống Nga biết mọi thứ khi ông nghiên cứu kỹ lưỡng từng báo cáo nhận được từ các cơ quan” – vị đại sứ từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga khẳng định – “Tổng thống Putin tham vấn rất kỹ ý kiến các thành viên Hội đồng An ninh Nga và sau đó ông mới ra quyết định”.

Đề cập chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đại sứ Antonov cho rằng đây là kết quả việc thay đổi trật tự thế giới do Mỹ và các nước NATO tạo ra sau khi Liên Xô tan rã. Ông cũng khẳng định mục tiêu của Nga không phải lật đổ Ukraine, mà là truy quét các nhóm phát xít ở quốc gia láng giềng này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

“Đây là kết quả việc thay đổi trật tự thế giới do Mỹ và các nước NATO tạo ra sau khi Liên Xô tan rã” – đại sứ Antonov nhấn mạnh – “Mục tiêu của Nga không phải lật đổ chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky mà chỉ nhằm truy quét các nhóm phát xít ở Ukraine”.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Nga đã xấu đi kể từ khi nổ ra chiến sự tại Ukraine. Trong bối cảnh ấy, đôi bên đều cắt giảm đi đáng kể số lượng nhân viên ngoại giao tại Washington và tại Moscow.

Dẫu vậy, đại sứ Nga nhấn mạnh hai nước không cắt quan hệ ngoại giao. “Chúng tôi vẫn duy trì liên hệ với chính quyền Tổng thống Joe Biden nhưng chỉ ở cấp thấp”- ông Antonov cho biết đồng thời bày tỏ lo ngại về thực tế này.

“Điều này không thể tiếp tục kéo dài mãi được. Chúng ta buộc phải hợp tác trong nhiều vấn đề” – ông Antonov lý giải – “Các vấn đề về ổn định chiến lược, biến đổi khí hậu, Covid-19, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân … không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia tích cực của cả Nga và Mỹ”.


Bằng Hưng