Daily Mail ngày 3-6 cho biết bức ảnh được nhiếp ảnh gia người Indonesia Gunarto Song chụp vào ngày 28-5.

Tia sáng màu xanh lá cây trông giống như một tia laser bắn ra từ miệng núi lửa Merapi. Nhiếp ảnh gia Gunarto chú thích cho bức ảnh khi đăng tải nó lên mạng xã hội, thu hút hơn 28.000 lượt “thích”: “Một thiên thạch đã rơi vào đỉnh núi Merapi?”.

Bức ảnh mà anh Gunarto chụp được. Ảnh: Daily Mail

Viện Hàng không và Không gian Quốc gia Indonesia (Lapan) sau đó cho biết: “Có thể tia sáng xanh kỳ lạ đến từ 2 trận mưa sao băng Eta Aqarid và Arietid diễn ra vào cùng thời điểm đó. Tia sáng có màu xanh lá cây dường như là sao băng rơi xuống xung quanh núi Merapi và bị chi phối bởi nguyên tố magie”.

Trận mưa sao băng Eta Aquarid đã diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 19-4 đến ngày 28-5, còn trận mưa sao băng Arietid bắt đầu từ ngày 14-5 và dự kiến kết thúc vào ngày 24-6.

Theo Daily Mail, một phần của tiểu hành tinh hoặc sao chổi còn được gọi là thiên thạch. Khi xâm nhập bầu khí quyển, nó biến thành một quả cầu lửa hoặc sao băng. Những mảnh rơi xuống trái đất vẫn có tên là thiên thạch.

Trả lời phỏng vấn của CNN Indonesia, Gunarto nói rằng anh thiết lập tốc độ màn trập của máy ảnh ở mức 4 giây nên tạo thành vệt sáng kéo dài. Nhưng thực tế, nó có hình tròn, di chuyển rất nhanh và rơi xuống.

Núi Merapi nằm trên ranh giới của tỉnh Trung Java và khu vực đặc biệt Yogyakarta. Đây là một trong những ngọn núi lửa hoạt động thường xuyên nhất trên thế giới. Merapi phun trào lần mới nhất vào ngày 27-3-2021. Hai vụ phun trào trước đó xảy ra vào tháng 3-2020.

Indonesia tọa lạc trên “Vành đai lửa”, một mảng kiến ​​tạo ở Thái Bình Dương nên hay ghi nhận hoạt động địa chấn và núi lửa.

Indonesia tọa lạc trên “Vành đai lửa”, một mảng kiến ​​tạo ở Thái Bình Dương. Ảnh: Daily Mail


Phạm Nghĩa

Chia sẻ