Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kế hoạch tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt đèn công cộng vào ban đêm, bên cạnh những bước đi khác.

Tương tự, giới chức Đức kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, đồng thời yêu cầu giảm công suất hệ thống sưởi ấm và điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng.

Theo AP, những bước đi trên cho thấy kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề vì xung đột Nga-Ukraine.

Ở chiều hướng ngược lại, giá nhiên liệu tăng cao vì xung đột đang mang lại lợi ích cho Nga, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới.

Nga đang hưởng lợi vì giá nhiên liệu tăng mạnh. Ảnh: AP

Tuy nhiên, về lâu dài, theo giới chuyên gia kinh tế, cuộc chiến ở Ukraine cũng sẽ khiến Nga “trả giá đắt”: trì trệ kinh tế gia tăng vì thâm hụt đầu tư và thu nhập của người dân.

Thách thức cấp bách nhất của châu Âu lại ngắn hạn hơn so với Nga, đó là đối phó lạm phát kỷ lục (8,6%) và đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới. Lục địa này phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga và chi phí năng lượng gia tăng đang “len lỏi” vào các nhà máy, và các cơ sở dự trữ nhiên liệu và đời sống của người dân.

Những ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn cung năng lượng cao, như thép và nông nghiệp, đang đối mặt tình trạng bất ổn gia tăng và có thể rơi vào kịch bản bị ngắt khí đốt luân phiên để bảo vệ các hộ gia đình nếu khủng hoảng khoét sâu.

Khủng hoảng năng lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân châu Âu. Ảnh: AP

Tác động kinh tế từ xung đột Nga-Ukraine cũng đã hiện hữu trên bàn ăn. Trong năm nay, một hộ gia đình Ý ước tính sẽ phải chi thêm 681 USD để mua thực phẩm.

Tại Pháp, người dân cũng đang phải chi tiêu đắn đo hơn vì giá thực phẩm tăng mạnh. Jessica Lobli, một bà mẹ đơn thân ở ngoại ô Paris, cho biết bà phải giảm mua sữa, sữa chua và ngừng mua những sản phẩm như mứt và bánh quy. Chi tiêu dành cho thực phẩm của gia đình bà từ 150-200 euro/tháng xuống còn 100 euro/tháng vào tháng 6.

“Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nhưng chúng tôi cần ăn uống để sinh tồn” – bà Lobli, người có thu nhập 1.300-2.000 euro/tháng, chia sẻ.

Nhiều hộ gia đình ở châu Âu đang phải chi tiêu dè sẻn hơn vì bức tranh kinh tế ảm đạm. Ảnh: AP

Bức tranh ở Nga dường như trái ngược, với đồng rúp lẫn thị trường chứng khoán và tỉ lệ lạm phát đều ổn định nhờ sự can thiệp sâu rộng của chính phủ. Thế nhưng, các nhà kinh tế nói với AP rằng bức tranh này chưa phản ánh đúng thực tế.

Chính những quy định ngăn dòng tiền chảy ra nước ngoài và buộc các nhà xuất khẩu phải đổi hầu hết doanh thu nước ngoài sang đồng rúp đã gánh đỡ cho tỉ giá hối đoái. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát ở Nga đã “phần nào mất đi ý nghĩa” vì chưa tính đến sự biến mất của hàng hóa phương Tây, đồng thời lạm phát thấp có thể phản ánh nhu cầu đi xuống – theo ông Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh Đức. 

Ngoài ra, theo nhà khoa học chính trị Ilya Matveev, có khoảng 2,8 triệu người Nga làm việc trong các công ty nước ngoài hoặc có một phần vốn nước ngoài vào năm 2020. Nếu tính cả các nhà cung cấp  thì có khoảng 5 triệu công việc, tương đương 12% lực lượng lao động Nga, phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài.

Các công ty nước ngoài có thể tìm chủ sở hữu mới người Nga, cộng với sự can thiệp từ chính phủ sẽ ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Tuy nhiên, về lâu dài, nền kinh tế sẽ kém năng suất đi nhiều, “khiến thu nhập thực sự bình quân giảm mạnh”, theo ông Kluge.


Cao Lực