Theo hãng tin Bloomberg, những bệnh nhân tử vong ở độ tuổi từ 60 đến 101, đều có bệnh nền nặng.

Cũng trong sáng 19-4, Thượng Hải báo cáo thêm 20.416 ca nhiễm mới, con số vẫn cao những đã giảm so với mức đỉnh gần đây. Hơn 25 triệu cư dân Thượng Hải đã bị phong tỏa trong nhiều tuần với nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE

Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đang chọn giải pháp chung sống với Covid-19, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “Không Covid-19” (Zero-Covid) bất chấp những lo ngại về thiệt hại kinh tế xã hội.

Thượng Hải mới chỉ bắt đầu nới lỏng đối với khối ngành công nghiệp sau tuyên bố ngày 16-4, trong đó yêu cầu các công ty ôtô, chất bán dẫn và y sinh học phải nộp kế hoạch chi tiết về việc phòng chống dịch Covid-19 khi khôi phục sản xuất dựa trên hướng dẫn chung được ban hành cùng ngày, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Bloomberg cho hay báo cáo của Thượng Hải về những ca tử vong đầu tiên chỉ bắt đầu sau hơn 1 tháng kể từ khi bùng phát dịch và khi ngày càng có nhiều tranh luận về số ca tử vong chính thức. Con số được báo cáo thấp hơn đáng kể so với các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn Trung Quốc.

Hôm 18-4, ông Ma Xiaowei, người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho rằng nếu nới lỏng các biện pháp kiểm soát, sẽ có một số lượng lớn ca mắc ở người mang bệnh nền, người già và trẻ em, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế và xã hội. Do đó, Trung Quốc vẫn quyết theo đuổi các biện pháp cứng rắn.

Theo AP, tỉ lệ tiêm chủng tổng cộng của Trung Quốc vào khoảng 90% song tỉ lệ này ở người cao tuổi lại thấp. Chỉ có 62% cư dân trên 60 tuổi của Thượng Hải đã tiêm vắc-xin, theo số liệu công khai mới nhất. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc phải nâng được tỉ lệ tiêm vắc-xin ở người cao tuổi lên rồi mới có thể tính đến sống an toàn với Covid-19.


Thu Anh