Theo trang dự báo AccuWeather, từ ngày 16 đến 19-6, nhiệt độ ở Thung lũng Chết có thể cao hơn 10 độ C so với mức cao kỷ lục 56,7 độ C từng được thiết lập trong đợt nắng nóng kéo dài 5 ngày hồi tháng 7-1913.

Mức nhiệt độ trung bình ở Thung lũng Chết, một lưu vực dài và hẹp, thấp hơn mực nước biển gần 300m, vào giữa tháng 6 là 37,7 độ C.

Khu vực này có nhiệt độ cao bởi bề mặt của nó chỉ toàn đá và đất, toả nhiệt nhưng nhiệt độ không thoát được ra ngoài. Những dãy núi dốc bao quanh đã khiến nhiệt độ cao kéo dài ở khu vực dưới đáy thung lũng.

Cảnh báo nhiệt độ cao nguy hiểm ở Thung lũng Chết. Ảnh:Twiter

Toàn bộ khu vực Tây Nam đã hứng chịu cái nắng nóng hơn 37,7 độ C hơn một tuần và mức nhiệt độ này dự kiến ​​duy trì và thậm chí tăng ở một số khu vực vào cuối tuần này.

Các nhà dự báo cho hay đợt nắng nóng hiện tại được ghi nhận không chỉ về cường độ mà còn về thời gian.

Nhiệt độ cao gây áp lực lên lưới điện, làm cạn nguồn cung cấp nước và gây khô hạn thảm thực vật, góp phần gây ra các vụ cháy rừng và ảnh hưởng khoảng 40-50 triệu người sinh sống trong khu vực.

Thung lũng Chết ở bang California – Mỹ có thể sớm phá kỷ lục nắng nóng vào năm 1913. Ảnh: offthebeatenpath

Nhiệt độ cao đã phá vỡ hàng chục kỷ lục trên toàn khu vực, bao gồm California, Arizona, Montana và Idaho và nhiều nơi khác dự kiến ​​sẽ giảm nhiệt độ vào cuối tuần này, theo AccuWeather.

Nhà điều hành lưới điện bang California đã đưa ra cảnh báo và khuyến khích người dân tiết kiệm điện khi có thể.

Nhà điều hành Hệ thống Độc lập California (ISO) cho hay: “Mặc dù không có sự cố mất điện hoặc gián đoạn nào khác được cho là xảy ra thời điểm này nhưng ISO có thể thực hiện một số hành động để giảm nhu cầu và tiếp cận năng lượng bổ sung”.

Nhà điều hành lưới điện của Texas cũng đã kêu gọi người dân đầu tuần này giảm sử dụng điện nhiều nhất có thể đến ngày 18-6 vì có nhiều nhà máy điện ngừng hoạt động.

Trong khi các bang kêu gọi giảm sử dụng điện, giới chức trách lo ngại về tình trạng hạn hán và cháy rừng.

Theo trang Axios, hơn 20 vụ cháy rừng lớn đã xảy ra ở bang Arizona, California và các khu vực khác của miền Tây.

Cảnh báo nhiệt độ trong khu vực: màu cam (nắng nóng), đỏ (nhiệt độ cao), đỏ đậm (nhiệt độ cao mức báo động). Ảnh: Accweather

Khoảng 89% khu vực miền Tây nước Mỹ đang chứng kiến đợt hạn hán, với hơn 1/2 vụ được báo cáo trong tình trạng “cực đoan” và “bất thường”. Khu vực này cũng được cảnh báo sắp chuẩn bị cho đợt hạn hán nghiêm trọng nhất lịch sử.

Ở Las Vegas, nhiệt độ được dự báo có thể vượt mức cao kỷ lục 47,2 độ C khiến văn phòng dự báo thời tiết khu vực đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa đáng kể đối với cuộc sống người dân và cơ sở hạ tầng trong tuần này khi nắng nóng không thuyên giảm.

Lượng nước trong hồ Mead, hồ chứa được hình thành nhờ Đập Hoover trên sông Colorado ở miền Nam bang Nevada, đang ở mức thấp nhất mọi thời đại với chỉ 34,7%.

Trong khi đó hồ Powell, dọc theo sông Colorado và ở các vùng của bang Utah và bang Arizona, đã khô cạn đến mức có thể nhìn thấy lòng sông khi chỉ có khoảng 39,4% lượng nước trung bình đổ vào kể từ đầu năm.


Xuân Mai

Chia sẻ