Chiều ngày 11-5 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Washington của Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ.

Xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại đây

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) – Ảnh: VGP

CSIS là trung tâm học thuật, nghiên cứu chiến lược hàng đầu tại Mỹ cũng như trên thế giới, với mục tiêu tăng cường đối thoại, hiểu biết giữa chính giới, học giả và người dân các nước. CSIS cũng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã tới thăm và phát biểu tại CSIS.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 3 nội dung lớn: Cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; Chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Các đại biểu hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS)- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được mọi vấn đề

Theo Thủ tướng, thế giới đang đứng trước thời điểm có thể nói là khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Chúng ta cần nhận thức đầy đủ cả những cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn đối với hoà bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó, mặt thách thức khó khăn dường như đang nổi lên nhiều hơn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hợp tác để xử lý hiệu quả.

Thủ tướng trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ và lãnh đạo Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) – Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định, hoà bình, an ninh và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc cần hài hoà và tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Cùng với đó, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hoà bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia.

Trong đó, cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người. Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là xu thế khách quan. Nhưng trong hội nhập, mỗi quốc gia phải lấy nội lực là cơ bản, phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả.

Đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin

Theo Thủ tướng, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân Ảnh: VGP

Đồng thời, mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tuỳ theo khả năng và sức lực của mình. Chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn của các quốc gia.

Thủ tướng nêu rõ, ASEAN chính là một ví dụ minh chứng về giá trị của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong việc góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, toàn cầu. Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ASEAN đã và đang nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Tầm nhìn đến 2025.

ASEAN đã thiết lập và tiếp tục củng cố mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, mong muốn cùng các đối tác xây dựng sự chân thành, củng cố lòng tin, hành động có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, xử lý các thách thức toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…

Khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khu vực và thế giới

Về nội dung thứ ba, Thủ tướng nêu rõ: Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình.

“Điều quan trọng là khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới. Tôi mong muốn Mỹ và các đối tác quan tâm sâu sắc, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa khát vọng tầm nhìn chiến lược đó một cách chân thành và hiệu quả. Đồng thời, điều này sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn giữa Việt Nam với Mỹ và các nước khác”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng chia sẻ và khẳng định những quan điểm của Việt Nam về thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế:

Trước hết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Thứ hai, giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng”- Thủ tướng phát biểu.

Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời làm rõ thêm một số vấn đề mà Chủ tịch, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nêu – Ảnh: VGP

Trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông – một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Để đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, LHQ, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mê Kông, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.

Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia: Việt Nam là địa điểm để tổ chức Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2; tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững cho vấn đề Ukraine, hỗ trợ nhân đạo 500 ngàn USD cho Ukraine, viện trợ khẩu trang, một số vật tư y tế cho 51 quốc gia, trong đó có Mỹ; đồng thời đóng góp tài chính hàng triệu USD cho Chương trình COVAX trong đại dịch Covid-19…

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ đã hỗ trợ cung cấp nguồn vắc-xin lớn, trang thiết bị y tế và cho Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát đại dịch, đặc biệt là việc Mỹ thành lập Văn phòng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.

Chủ tịch, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS)

Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao trong ứng phó với biển đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26 tại Anh để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với trên 60 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bình đẳng và tự do thương mại.

Việt Nam không thể đi một mình

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Thủ tướng khẳng định: Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Việt Nam và Mỹ đã đi được một quãng đường dài trong việc thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau, trước hết là khắc phục hậu quả chiến tranh.

Từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ hai nước không ngừng phát triển trên nhiều mặt.

Với việc Mỹ và nhiều quốc gia đang hướng về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển đầy khát vọng, hai nước đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Cùng với các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới – đó là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) thảo luận, làm rõ một số vấn đề – Ảnh: VGP

Thủ tướng nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thăm CSIS năm 2015, rằng hai bên cần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

“Tôi mong muốn toàn thể quý vị và các bạn hãy cùng chung tay, góp sức vun đắp, xây dựng, củng cố niềm tin và trách nhiệm, sự chân thành giữa hai nước chúng ta, góp phần thiết thực vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”- Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.

Sau bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải đáp một số câu hỏi của các thính giả. Trong đó, về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Thủ tướng cho biết, những trụ cột của sáng kiến này cũng là những vấn đề quan trọng với Việt Nam, Mỹ và nhiều nước khác. Do đó, Việt Nam sẵn sàng cùng phía Mỹ và các đối tác trao đổi để làm rõ nội hàm cụ thể, các công việc, lộ trình, bước đi… trong khuôn khổ này, trong đó, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những nội dung phục vụ cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, đặc biệt là vì lợi ích nhân dân hai nước.


D.Ngọc – VGP