Tôi còn nhớ hôm đón con về sau diễn tập, nghe 2 đứa kể chuyện mà thấy sợ, vì con mình đã “bình thường hóa” chuyện xả súng quá đỗi. Hai con tôi – N. và C. – đều đang học tiểu học, lớp 2 và 3.

– N.: “Tình huống của lớp con là cô giáo không có ở trong lớp nên các bạn gần cửa nhất sẽ đẩy bàn ra chặn cửa, một số bạn được phân công tắt đèn, còn tất cả chui đi trốn. Cô cho diễn tập 3 lần, 2 lần đầu cô giả bộ làm người xấu xô cửa nhưng vào không được. Lần thứ 3 thì thầy K. đi qua, thầy khỏe quá xô một cái là vào được lớp”.

– C.: “Nhưng mà không sao đâu mẹ. Vì người xấu muốn gây thiệt hại nhất có thể nên họ không ở lại một chỗ quá lâu mà sẽ đi qua lớp khác nữa”.

Một trường học ở TP Sunnyvale, bang California có bãi cỏ rộng nối liền công viên bên ngoài, không hề có rào chắn. Học sinh phân biệt ranh giới trường và bên ngoài bằng vạch sơn trên sân xi-măng

– N.: “Mình phải trốn trong im lặng, nói một tiếng là người xấu biết sẽ vô bắn liền. Trong lớp con có bạn H. quậy lắm, lần nào cũng cố ý cười lớn, làm cô giáo rất giận. Mà thầy K. còn giả bộ nói “An toàn rồi, ra thôi các em” để dụ tụi con ra nữa đó”.

Tôi rùng mình! Tại sao chúng còn nhỏ như thế mà đã phải học những điều này? Khi tôi tâm sự với bạn bè, nhiều người bày tỏ họ không biết phải nói với con về vấn đề xả súng như thế nào khi mà có bé mới học mẫu giáo đã phải diễn tập rồi (tất nhiên là “ngụy trang” thành chơi trò trốn tìm).

Không chỉ diễn tập, các con tôi còn được dạy về tâm lý tội phạm, chẳng hạn mục tiêu của người xấu là gây thiệt hại càng nhiều trong thời gian ngắn nhất nên chúng sẽ hành động ra sao và ưu tiên cái gì.

Một người bạn đang sống ở bang Florida kể trường của con bạn (liên thông từ mẫu giáo đến lớp 8) diễn tập bị xả súng đến 2 lần mỗi tháng. “Không biết phải nói sao, chỉ cảm thấy diễn tập trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động hằng tháng của trường thì thật đáng lo ngại” – bạn ngậm ngùi.

Trường tiểu học ở TP Sunnyvale, bang California: Bảng hiệu trước trường ghi là School/Park (trường học/công viên), trong khuôn viên trường có cả khu tập thể dục cho người lớn sử dụng trước và sau giờ học

Trong tâm trạng hoang mang, nhiều phụ huynh khi đi tìm hiểu trường học của con thậm chí quan tâm cấu trúc phòng học và chuyện thoát hiểm nhiều hơn những vấn đề khác. Trường học ở Mỹ thường xây cạnh công viên, nhiều trường công không có hàng rào hoặc rào quá thấp nên người lạ rất dễ ra vào.

Trường công ở California thường không có bảo vệ, chỉ những sự kiện lớn như hội thao, ngày hội gây quỹ… mới có cảnh sát đến hỗ trợ. Đa số trường tư có hàng rào và bảo vệ nhưng bảo vệ không có vũ khí.

Nói ra tuy xót xa nhưng việc diễn tập sẽ giúp các con không bị hoảng loạn khi xảy ra sự cố, nhà trường phối hợp nhịp nhàng hơn, nhờ đó giảm thiểu thương vong. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lo ngại bởi xét cho cùng thì các tay súng trẻ tuổi cũng trải qua thời gian học ở trường và am hiểu những cuộc diễn tập này.


Bài và ảnh: Pearla Nguyễn (từ TP San Jose, bang California – Mỹ)