Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) khẳng định dữ liệu ban đầu cho thấy tên lửa này “tiên tiến hơn” so với tên lửa siêu thanh mà Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng hôm 5-1.

Theo giới phân tích, hai vụ phóng tên lửa trong những ngày đầu năm 2022 nêu bật cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về củng cố sức mạnh quân sự bằng công nghệ cao giữa lúc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Hàn Quốc và Mỹ rơi vào bế tắc.

Với vụ thử nghiệm mới nhất, Triều Tiên dường như muốn chứng minh những bước tiến trong nỗ lực phát triển tên lửa siêu thanh của họ, JCS nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Kim Dong-yup của Trường ĐH Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng vụ phóng có thể là một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi đến Seoul sau khi giới chức Hàn Quốc cho rằng vụ thử nghiệm tuần trước đã thất bại và tên lửa được phóng không phải là loại siêu thanh.

Hình ảnh được hãng thông tấn KCNA đăng tải về vụ phóng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên hôm 5-1Ảnh: KCNA

Vụ phóng hôm 11-1 diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại TP New York – Mỹ để thảo luận vụ thử tên lửa trước đó của Triều Tiên. 

Tại cuộc họp, đại diện của Mỹ và một số nước khác gọi hành động này là “một mối đe dọa đối với an ninh và ổn định quốc tế”, đồng thời kêu gọi mọi thành viên “thực hiện các nghĩa vụ trừng phạt theo nghị quyết của HĐBA”. Trái lại, theo các nguồn tin, Nga và Trung Quốc tiếp tục kêu gọi dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Kể từ khi nỗ lực ngoại giao giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sụp đổ năm 2019, theo báo The New York Times, Triều Tiên đã nối lại hoạt động thử nghiệm tên lửa, chủ yếu là tên lửa tầm ngắn. Trong số này có cả loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có quỹ đạo bay khó lường hoặc loại được phóng từ tàu hỏa.

Giới chuyên gia quốc phòng khẳng định những vụ phóng này cho thấy Bình Nhưỡng đang theo đuổi cách thức khó đoán hơn để tấn công tên lửa các căn cứ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Phần lớn giới quan sát dự đoán nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí. Bình Nhưỡng lập luận rằng các vụ thử nghiệm tên lửa nói riêng và hoạt động quân sự nói chung là để tự vệ.

Theo chuyên gia Leif-Eric Easley của Trường ĐH Ewha (Hàn Quốc), Triều Tiên đang tích cực sử dụng các vụ thử nghiệm để hoàn thiện năng lực tên lửa, khắc họa họ như một quốc gia nỗ lực cải thiện năng lực phòng vệ như nhiều nước khác.

“Song song với đó, Bình Nhưỡng đang thách thức lệnh trừng phạt quốc tế, tiến hành những vụ thử nghiệm không bị coi là vượt lằn ranh đỏ trong lúc HĐBA vẫn còn chia rẽ” – ông Easley nói. 


Cao Lực

Chia sẻ