Một tuyên bố của Nhà Trắng hôm 24-8 cho biết Tổng thống Joe Biden đã ban bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng tại bang Tennessee và ra lệnh sự hỗ trợ liên bang sau khi mưa lũ nghiêm trọng tại đó khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và 40 người mất tích vào cuối tuần rồi.

Theo các nhà khí tượng học, bang Tennessee đã phải hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử khiến cuộc sống của hàng ngàn người bị ảnh hưởng. Nhiều nơi ở bang này hôm 21-8 chứng kiến lượng mưa lên đến 431 mm trong vòng chưa đến 24 giờ. Chưa hết, bờ Đông nước Mỹ còn “đón” một loạt cơn bão, như Claudette, Danny, Fred, Henri, Elsa… trong mùa hè này.

Các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ rằng tình trạng toàn cầu ấm dần lên sẽ làm mưa lớn xảy ra nhiều hơn. Theo bản Đánh giá Khí hậu quốc gia Mỹ gần đây nhất, lượng mưa trong các cơn bão lớn nhất tại miền Đông Nam nước này đã tăng thêm gần 1/3 trong giai đoạn 1958-2016.

Xe cộ bị hư hại sau trận lũ lụt nghiêm trọng ở TP Waverly, bang Tennessee – Mỹ hôm 22-8 Ảnh: REUTERS

Mới đây, một nghiên cứu công bố hôm 23-8 cho thấy trận mưa lũ khiến hơn 180 người thiệt mạng tại Đức và Bỉ vào tháng rồi là một sự kiện cực kỳ hiếm. Theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học khí hậu quốc tế, lượng mưa gây ra đợt lũ lụt trên là lớn chưa từng có trong vòng 400 năm trở lại đây.

Dù vậy, tác động của biến đổi khí hậu khiến khả năng xảy ra một trận mưa như thế trở nên cao hơn và với lượng mưa thậm chí còn nhiều hơn.

Trong khi đó, miền Tây nước Mỹ, cũng như nhiều nước trên thế giới, như Hy Lạp, Algeria, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha… đã và đang chứng kiến sự hoành hành của các vụ cháy rừng, tình trạng nắng nóng cực đoan và hạn hán trong năm nay.

Riêng vùng Sicily – Ý vào đầu tháng này được cho là đã ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu (48,8 độ C). Ngoài ra, Văn phòng Khí tượng Anh gần đây đưa ra cảnh báo đầu tiên về nắng nóng cực đoan.

Cũng trong tháng 7 qua, những trận mưa lớn kỷ lục đã khiến hơn 300 người thiệt mạng ở tỉnh Hà Nam – Trung Quốc. Theo trang Bloomberg, biến đổi khí hậu đang khiến cho các trận lũ vào mùa hè hằng năm tại quốc gia đông dân nhất thế giới này thêm tồi tệ.

Trong khi đó, các thành phố với hàng triệu cư dân vẫn chưa sẵn sàng ứng phó những sự kiện thời tiết cực đoan được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu. Mối đe dọa không chỉ đến từ mưa lũ. Nghiên cứu mới của tổ chức Greenpeace cho thấy các đô thị hàng đầu của Trung Quốc có nguy cơ đối mặt những mùa hè nóng và kéo dài hơn trong những thập kỷ tới. 


Hoàng Phương

Chia sẻ