Đó là kết luận từ báo cáo thường niên của Cơ quan Theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (C3S).

Được công bố hôm 22-4, báo cáo này chỉ ra nhiệt độ mùa hè châu Âu năm ngoái cao hơn khoảng 1 độ C so với mức trung bình trong 3 thập kỷ qua. Đáng chú ý, nước Ý ghi nhận nhiệt độ lên đến 48,8 độ C, được xem là mức nóng nhất châu Âu.

Đợt nắng nóng đặc biệt nghiêm trọng ở Địa Trung Hải đã gây ra nhiều vụ cháy rừng thiêu rụi diện tích hơn 800.000 ha ở 3 nước Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý. Trong khi đó, lượng mưa cao kỷ lục gây lũ lụt tàn phá trên khắp nước Bỉ và miền Tây Đức khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Cảnh tượng đổ nát tại một khu vực bị ảnh hưởng do lũ lụt ở vùng Kreuzberg – Đức hồi tháng 7 năm ngoái Ảnh: REUTERS

Ông Mauro Facchini, người đứng đầu C3S, nhấn mạnh các quốc gia phải khẩn cấp giảm phát thải khí nhà kính để tránh tình trạng trái đất nóng dần lên, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trên toàn cầu, nhiệt độ 7 năm qua được ghi nhận cao kỷ lục. Tuy các quốc gia cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhưng hầu hết không đạt được tiến bộ đầy đủ. Hồi năm ngoái, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng mạnh trở lại sau đợt giảm tạm thời do dịch Covid-19.

Ông Wim Thiery, nhà khoa học khí hậu tại Trường ĐH Tự do Brussel (Bỉ), nhận định việc giảm phát thải khí nhà kính là phương án rẻ nhất và hiệu quả nhất nhằm hạn chế các hiểm họa thời tiết cực đoan.


Xuân Mai