Một cách hết sức bất ngờ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thủ đô Kiev của Ukraine hôm 20-2, sau chuyến hành trình bí mật kéo dài nhiều giờ bằng xe lửa từ biên giới Ba Lan – theo tiết lộ của nhiều tờ báo Mỹ.

Tại đây, theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Biden tái khẳng định với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky về “cam kết kiên định và không lay chuyển của Mỹ đối với nền dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Ngoài điểm đến không nằm trong lịch trình đã công bố trước đó, Tổng thống Biden dự kiến hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trước khi có bài phát biểu ở thủ đô Warsaw vào tối 21-2 (giờ địa phương).

Sang ngày 22-2, người đứng đầu nước Mỹ có cuộc họp với nhóm “Bucharest Nine”, bao gồm các thành viên ở sườn Đông của NATO là Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Chuyến đi của ông chủ Nhà Trắng đặc biệt quan trọng, bởi nó diễn ra chỉ vài ngày trước dịp tròn một năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Và cũng như cuộc xung đột chưa rõ hồi kết, chuyến đi này rất phức tạp, nguy hiểm và ẩn chứa nhiều bất ổn, theo đánh giá của tạp chí Politico.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky (phải) đi dạo cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden bên ngoài Dinh Mariinskyi ở Kiev hôm 20-2 Ảnh: REUTERS

“Giúp Ukraine tự vệ hẳn nhiên rất quan trọng, song Tổng thống Biden và bộ máy của ông một mục tiêu quan trọng không kém là ngăn xung đột leo thang hơn nữa. Nếu cả châu Âu bị kéo vào cuộc thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp” – ông Sean Monaghan, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), bình luận.

Dù xung đột ở Ukraine gây ra nhiều bất ổn trên toàn cầu song theo các trợ lý của ông Biden, tình hình này lại giúp tổng thống Mỹ bộc lộ năng lực kết nối đồng minh cũng như khả năng lãnh đạo trên trường quốc tế. Dù vậy, theo AP, những tháng sắp tới vẫn rất mờ mịt và hỗn loạn.

Bất chấp những thành công ngoài mong đợi của Kiev, Nga hiện kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine. Giới chức Mỹ tin rằng xung đột ở Ukraine bước vào giai đoạn then chốt khi Nga đang mở cuộc tấn công trên diện rộng và Ukraine chắc chắn sẽ phản công.

Tờ The National (Ả Rập Saudi) bình luận một năm đã trôi qua và đến giờ vẫn chưa ai rõ chiến lược kết thúc xung đột của Moscow ra sao. Chính vì vậy, một sự kiện khác diễn ra cùng ngày 21-2 chắc chắn sẽ cực kỳ thu hút sự chú ý: Tổng thống Putin có bài phát biểu toàn quốc! Một ngày trước sự kiện, hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin sẽ lên tiếng về xung đột ở Ukraine.

Có nhiều đồn đoán rằng dù giao tranh ngày càng ác liệt song con đường đàm phán sắp được mở ra để chốt lại những thỏa thuận tạm thời về mặt an ninh. Politico tiết lộ một số nhà ngoại giao suy đoán một thỏa thuận như thế có thể nhằm khôi phục hiện trạng biên giới trước xung đột, tức Ukraine lấy lại các lãnh thổ của mình ở phía Đông và Nam nhưng Nga vẫn giữ bán đảo Crimea.

Cũng theo tạp chí này, chính Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định trong phòng họp kín rằng việc Ukraine tái chiếm Crimea sẽ là “lằn ranh đỏ” với Tổng thống Putin. Điều này càng phức tạp hơn bởi Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần quả quyết sẽ chỉ đàm phán một khi lấy lại được toàn bộ lãnh thổ đất nước.

Trong một diễn biến khác, ông Vương Nghị – Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – đang lên đường tới Moscow để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước (có thể diễn ra vào tháng 4 tới).

Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, ông Vương công bố kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tìm “giải pháp chính trị” về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, một số nước phương Tây tỏ ra nghi ngờ, thậm chí Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang cân nhắc “hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga” – điều mà Washington mô tả là “lằn ranh đỏ”.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20-2 cáo buộc Mỹ “chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi và tung tin giả”, theo đài CNN. “Chính Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, mới là bên cung cấp vũ khí thường xuyên cho chiến trường. Mỹ không đủ tư cách rao giảng cho Trung Quốc và chúng tôi cũng không bao giờ chấp nhận để Mỹ ra lệnh hay ép buộc trong mối quan hệ Trung – Nga” – người phát ngôn bộ này nhấn mạnh.


HẢI NGỌC