Theo trang UN News, sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, đến sáng 20-11 (giờ địa phương), tại Sharm el-Sheikh – Ai Cập, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập một quỹ chính thức nhằm bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương do thảm họa khí hậu.

 “COP27 đã thực hiện một bước tiến quan trọng đối với công lý” – Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh rằng tiếng nói của những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu phải được lắng nghe.

Ông Guterres nói thêm điều này vẫn chưa đủ nhưng đó là một tín hiệu chính trị rất cần thiết “để xây dựng lại niềm tin đã bị phá vỡ”.

Kế hoạch thực thi Sharm el-Sheikh, thỏa thuận 12 trang đạt được giữa các phái đoàn đến từ gần 200 quốc gia, đã gút được một số hạng mục khó nhất, bao gồm cơ sở tính tổn thất và thiệt hại – với cam kết thiết lập cơ cấu hỗ trợ tài chính tại COP28 năm 2023 – cũng như mục tiêu tài chính sau năm 2025 và các kế hoạch giảm lượng khí thải nhanh hơn, cố giữ mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris.

Nguồn tài chính cho quỹ “bồi thường khí hậu” chưa được chốt lại song theo Reuters, các ngân hàng đầu tư đa phương, như Ngân hàng Thế giới, được kêu gọi tham gia nhiều hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry (giữa), và các nhà đàm phán tham dự phiên toàn thể bế mạc COP27 ngày 20-11 Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, theo Reuters AP, thỏa thuận tại COP27 lại chưa “chốt” được những vấn đề kéo dài như mục tiêu nhiệt độ tổng thể, cắt giảm khí thải hay “khai tử” tất cả nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà đàm phán từ Liên minh châu Âu (EU) lo lắng về những cản trở đối với các mục tiêu của Hiệp ước khí hậu Glasgow năm ngoái (COP26).

“Thật bực bội khi chứng kiến các bước cắt giảm không đạt tiến độ và việc loại bỏ dần năng lượng hóa thạch đang bị một số nhà phát thải và nhà sản xuất dầu mỏ lớn ngáng đường” – Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết.

Thỏa thuận được thông qua chỉ kêu gọi giảm dần việc sử dụng than đá và các khoản đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch (giống như tại COP26). Thỏa thuận cũng nhắc đến “năng lượng phát thải thấp” bị gây lo ngại là sẽ mở đường cho việc sử dụng khí tự nhiên ngày càng tăng.

 “Có quá nhiều bên chưa sẵn sàng để đạt được nhiều tiến bộ hơn trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu” – người đứng đầu chính sách khí hậu của EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans, bình luận.

Một trong các điển hình bị chỉ trích là Úc – quốc gia tiếp tục hỗ trợ các dự án khai thác năng lượng “không xanh” bất chấp việc họ sẽ đăng cai tổ chức COP31 vào năm 2026. Là một trong những nhà xuất khẩu than và khí đốt hàng đầu thế giới, Úc không cam kết chấm dứt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới hay ngừng mở rộng các dự án hiện tại. 

Phát biểu hôm 20-11 sau khi tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 tại Thái Lan, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 20 triệu USD cho các dự án năng lượng sạch ở khu vực sông Mê Kông.

“Hành động táo bạo về khí hậu không chỉ cần thiết để bảo vệ con người trên hành tinh và tài nguyên thiên nhiên của chúng ta mà còn là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, chúng tôi biết rằng khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa thật sự đối với các cộng đồng sống dựa vào sông Mê Kông ở Thái Lan, Việt Nam, Lào” – bà Harris nhấn mạnh.


ANH THƯ