Ông Cavusoglu nói với hãng tin Anadolu Agency: “Nếu tham gia trừng phạt, chúng tôi đã không thể thực hiện vai trò hòa giải như bây giờ. Chúng tôi đã áp dụng Công ước Montreux đối với tàu chiến nhưng với không phận chúng tôi vẫn để ngỏ. Ngoài công ước, đã có các yêu cầu từ Nga, Mỹ cho các tàu đi qua. Theo quy định của công ước, chúng tôi đã hủy hoặc hoãn các cuộc tập trận theo kế hoạch của NATO. Chúng tôi đóng một vai trò quan trọng và chúng tôi thực hiện nghĩa vụ của mình”.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: AP

Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ được quyền kiểm soát 2 eo biển Bosphorus và Dardanelles, đồng thời có thể hạn chế tàu chiến qua lại trong thời chiến hoặc nếu bị đe dọa. Hiện Ankara đã cấm cả tàu quân sự Nga và Ukraine đi qua các eo biển này để vào Biển Đen.

Ông Cavusoglu tái khẳng định Ankara ngay từ đầu đã nhấn mạnh rằng sẽ chỉ tham gia các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nếu chúng được chính thức áp đặt lên Nga. “Các nước hiện có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ai họ muốn. Đó là việc của họ. Chúng tôi đã chọn vai trò trung gian hòa giải, chúng tôi đang cố làm cho mọi thứ dễ dàng hơn. Vai trò này được hoan nghênh ở Liên minh châu Âu (EU), cũng như trên thế giới” – ông Cavusoglu nói.

Tuy nhiên, bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý rằng chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga không có nghĩa là Ankara sẽ phá vỡ các nguyên tắc.


Xuân Mai