Vào năm 2013, một nhóm khoa học gia người Hà Lan tuyên bố chế tạo thành công thứ họ khẳng định là chiếc bánh mì kẹp thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, lĩnh vực thịt nhân tạo nhận được sự quan tâm lớn cùng nhiều bước tiến đáng kể.

Tương lai không giết mổ động vật

Đến tháng 12-2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán thịt nhân tạo. Công ty Eat Just (Mỹ) khi đó thông báo thịt gà “sản xuất trong phòng thí nghiệm” của họ đã được cấp phép sau khi vượt qua bài kiểm tra an toàn của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA). Công ty này còn khẳng định đây là “một bước đột phá của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu”, có thể mở ra cánh cửa đi đến tương lai không giết mổ động vật để lấy thịt. Theo báo The Guardian, hiện có khoảng 130 triệu con gà và 4 triệu con heo bị giết mỗi ngày để lấy thịt trên toàn thế giới.

Nhu cầu về các giải pháp thay thế thịt thông thường đã tăng mạnh khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, phúc lợi động vật và môi trường. Đài BBC mới đây dẫn báo cáo của Công ty Barclays (Anh) cho biết thị trường thịt nhân tạo có thể đạt giá trị 140 tỉ USD vào năm 2030, tương đương 10% giá trị ngành công nghiệp thịt toàn cầu. Những sản phẩm “thịt chay”, như của Công ty Beyond Meat và Công ty Impossible Foods (đều của Mỹ), xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị và nhà hàng.

Ảnh chụp thịt bò nhân tạo đầu tiên trên thế giới, được nuôi cấy từ tế bào gốc, tại thủ đô London – Anh, hồi tháng 8-2013 Ảnh: REUTERS

Trong những năm gần đây, hàng chục công ty khởi nghiệp đã nỗ lực đưa thịt gà, bò và heo nhân tạo đến thị trường, với cam kết về một sản phẩm giúp trút bớt gánh nặng đạo đức. Trong số này, nổi bật nhất là Công ty Future Meat Technologies (Israel) và Công ty Memphis Meat (Mỹ, được tỉ phú Bill Gates hậu thuẫn). Cả 2 công ty này đều đang hướng đến các sản phẩm thịt gốc thực vật có mùi vị giống thịt thật và giá cả phải chăng hơn. Dù vậy, sản phẩm của Eat Just khác biệt vì chúng được tạo ra từ các mô cơ động vật trong phòng thí nghiệm, thay vì từ thực vật – vốn bị mô tả là không giống với cấu trúc của thịt thật khi thiếu các lớp cơ, mỡ và gân phức tạp.

Quá trình sản xuất thịt từ phòng thí nghiệm bắt đầu bằng một tế bào, trong trường hợp này là gà của Eat Just. Tế bào có thể được lấy từ gà sống thông qua sinh thiết, thịt tươi, ngân hàng tế bào hoặc phần đuôi của lông. Tế bào sau đó được cung cấp dinh dưỡng, chẳng hạn như những dưỡng chất có trong đậu nành và bắp, cho đến khi trưởng thành. Theo đài CNBC, quá trình này kết thúc sau khoảng 14 ngày kể từ ngày bắt đầu và sản phẩm cuối cùng là thịt nhuyễn, với mức giá cao hơn rất nhiều so với thịt thông thường. Dù vậy, Eat Just nhấn mạnh giá thành sản phẩm sau cùng sẽ hạ xuống đáng kể nhờ hoạt động sản xuất được mở rộng.

Không còn là chuyện xa vời

Thịt gà nhân tạo của Eat Just hiện được bán tại nhà hàng 1880 ở Singapore, với giá khoảng 17 USD cho một bữa ăn cố định. Theo Giám đốc điều hành Công ty Eat Just, Josh Tetrick, đây là mức giá khó cạnh tranh. “Lĩnh vực kinh doanh này hiện không dành cho người yếu tim. Nó sẽ đòi hỏi rất nhiều vốn bỏ trước, trước khi bạn nhìn thấy doanh thu” – ông Tetrick nhận định.

Các sản phẩm thay thế thịt động vật thu hút khoản đầu tư gần 3,7 tỉ USD trong năm 2020 – cao hơn gấp 3 lần so với một năm trước đó, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu thực phẩm tốt ở Mỹ. Tại châu Âu, các công ty thịt chay, thịt nhân tạo và nuôi cấy vi sinh vật đã nhận được mức đầu tư kỷ lục 522 triệu USD trong năm 2020 – cao hơn gấp 4 lần so với hồi năm 2019.

Những khách mời đầu tiên được thưởng thức thịt gà nhân tạo của Công ty Eat Just (Mỹ) tại nhà hàng 1880 ở Singapore Ảnh: EAT JUST

Một vài nhà phân tích khẳng định ngay cả thịt trong ống nghiệm cũng có thể sớm ngang giá với thịt thông thường. Công ty Future Meat Technologies mới đây cho biết đã cắt giảm được chi phí sản xuất thịt nuôi cấy xuống còn 7,5 USD/ức gà. Theo kết quả nghiên cứu được Công ty CE Delft (Hà Lan) công bố hồi đầu tháng này, giá thịt nhuyễn trong ống nghiệm có thể rơi xuống mức 5,5 USD/kg đến năm 2030, tức tương đương giá thịt thông thường ở Anh, nhờ quá trình mở rộng sản xuất ồ ạt. CE Delft sử dụng dữ liệu của 15 công ty sản xuất thịt ống nghiệm để đưa ra nhận định trên. Đây được xem là kết luận chính xác nhất liên quan đến chi phí sản xuất thịt nuôi cấy quy mô lớn tính đến thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) đang trên đà đạt được một bước đột phá mới: Thịt bò bít-tết nhân tạo. Nhóm nghiên cứu do chuyên gia Shoji Takeuchi dẫn đầu đã tìm ra phương pháp mới trong việc nuôi cấy tế bào cơ bò trong ống nghiệm. Các tế bào tự sắp xếp thành các sợi dài liền mạch và khi tế bào bị kích thích bằng điện, những sợi cơ này co lại – tương tự phản ứng của các sợi cơ thật. Theo ông Takeuchi, điều này cho thấy kết cấu của nó giống với thịt bò thông thường. Bước đi tiếp theo sẽ là phát triển những tảng thịt nhân tạo lớn hơn, từ một vài gam ở thời điểm hiện tại lên 100 g. “Chúng tôi cũng sẽ đưa vào các mô khác, như mỡ và mạch máu, để khiến sản phẩm có mùi vị giống thịt thật hơn” – ông Takeuchi cho biết. 

Kỳ tới: Chìa khóa giúp chống biến đổi khí hậu


Cao Lực

Chia sẻ