Sử dụng số liệu của các chính phủ, IFRC còn cho biết Nam Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất, với hơn 18 triệu cư dân Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và lốc xoáy tồi tệ. Lũ lụt cũng tấn công Bangladesh, trong khi khoảng 30% diện tích Nepal bị sạt lở hoặc lũ lụt hoành hành.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia gánh chịu hậu quả tồi tệ nhất vì thiên tai trong năm nay, với hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng vì lũ lụt chỉ riêng tháng rồi. Philippines buộc phải hoãn kế hoạch tiêm phòng Covid-19 cho hàng triệu người vì bão Rai, dự kiến gây mưa to và gió lớn sau khi đổ bộ miền Trung nước này vào ngày 16-12, theo Reuters.

Tình nguyện viên mang sữa tiếp tế cho những cư dân bị ảnh hưởng vì mưa lũ ở TP Bengaluru – Ấn Độ hôm 22-11. Ảnh: REUTERS

“Các sự kiện liên quan đến thời tiết đang diễn ra với tần suất và cường độ gia tăng. Dữ liệu cho thấy 80% thảm họa liên quan đến thời tiết” – bà Jessica Letch, Giám đốc phụ trách các chiến dịch khẩn cấp của IFRC, chia sẻ với báo The Straits Times (Singapore).

Điều này đồng nghĩa người dân, chính phủ và các tổ chức cứu trợ đang đối mặt với sức ép ngày một lớn, đặc biệt là với sự xuất hiện của những đại dịch như Covid-19. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tính đến năm 2020, Covid-19 đã đẩy thêm khoảng 75-80 triệu người ở các nước đang phát triển của châu Á vào cảnh nghèo khó cùng cực.


Cao Lực

Chia sẻ