Giá dầu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua hôm 18-10, với giá dầu Brent có lúc chạm mốc 85,73 USD/thùng (cao nhất kể từ tháng 10-2018) và giá dầu thô WTI của Mỹ có lúc lên đến 83,40 USD/thùng (cao nhất kể từ tháng 10-2014).

Giá dầu tăng “mất kiểm soát”

Các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ (Úc) cho rằng việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19 trên toàn thế giới đang góp phần phục hồi mức tiêu thụ nhiên liệu và chỉ riêng việc dùng dầu để phát điện thay vì khí đốt đã có thể thúc đẩy nhu cầu lên tới 450.000 thùng/ngày trong quý IV/2021.

Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại Công ty OANDA (Mỹ), cảnh báo nhiệt độ lạnh ở Bắc bán cầu cũng gây thêm căng thẳng cho nguồn cung dầu.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm 18-10 đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để thảo luận về giá dầu. Bên cạnh việc theo dõi chặt chẽ những tác động đến các ngành công nghiệp trong nước và hộ gia đình, Thủ tướng Kishida cùng Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) kêu gọi các nước sản xuất dầu tăng sản lượng.

Trong khi đó, ông Asim Jihad, người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iraq, nhận định giá dầu vọt lên trên mốc 80 USD/thùng là một “chỉ báo tích cực” nhưng thị trường cần sự ổn định lâu dài.

Các bể chứa dầu thô tại trung tâm dầu khí ở TP Cushing, bang Oklahoma – Mỹ. Ảnh: REUTERS

Reuters dẫn lời ông Jihad cho rằng Iraq đặt mục tiêu đạt doanh thu cao nhất bằng cách tuân thủ thỏa thuận của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (được gọi là OPEC+). Hồi đầu tháng này, OPEC+ nhất trí duy trì thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày sau khi nới lỏng thỏa thuận giảm nguồn cung.

Ngược lại, giá vàng tiếp tục đà giảm hôm 18-10, kéo dài đợt bán tháo mạnh so với phiên trước đó trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ và giá USD tăng. Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.764,22 USD/ounce chiều 18-10 (giờ Việt Nam).

Sức hấp dẫn của vàng giảm khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao và gần chạm mức cao nhất nhiều tháng qua trong phiên cuối tuần rồi. Một yếu tố ảnh hưởng khác là đồng USD mạnh lên, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư mua vàng bằng các đồng tiền khác.

Lo âu từ Trung Quốc

Nhiệt độ phần lớn khu vực ở phía Đông của Trung Quốc những ngày qua đã giảm hơn 10 độ C và tuyết đã bắt đầu rơi ở vùng Nội Mông Cổ và tỉnh Hắc Long Giang, theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc (CMA).

Hãng tin Bloomberg cho biết năm nay Trung Quốc đón mùa đông sớm hơn, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng năng lượng để sưởi ấm có thể gia tăng, khiến cuộc khủng hoảng điện trên khắp cả nước thêm trầm trọng.

Giá than nhiệt giao trong tương lai tại sàn giao dịch Trịnh Châu đã tăng 8% lên 284 USD/tấn vào ngày 18-10, mức trong ngày cao kỷ lục.

Nhằm kiềm chế giá than, Bắc Kinh thời gian qua thúc đẩy các công ty khai thác tăng sản lượng và nhiều khả năng tiếp tục cắt giảm nguồn cung điện đối với nhóm tiêu dùng lớn để bảo đảm nhu cầu sưởi ấm của người dân. Cùng lúc, giới lãnh đạo tăng tốc cải cách thị trường, cho phép tăng giá điện hơn nữa để khuyến khích các nhà máy điện.

Một công trình đang được xây dựng tại TP Bắc Kinh – Trung Quốc hôm 18-10 Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, cùng với những biến động lớn trên thị trường bất động sản bắt nguồn từ khủng hoảng nợ 300 tỉ USD của tập đoàn Evergrande và những trì trệ trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu điện chưa từng có đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc.

Dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18-10 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong quý III/2021 tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến – chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm so với mức 7,9% của quý II/2021.

Theo AP, hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi giải pháp cắt điện luân phiên cũng như thiếu vi mạch xử lý và những linh kiện khác vì đại dịch Covid-19. Doanh thu bán lẻ, đầu tư xây dựng (lĩnh vực hỗ trợ hàng triệu việc làm) và các tài sản cố định khác đều suy yếu.

Chuyên gia Woei Chen Ho của Ngân hàng UOB (Singapore) đánh giá các con số thực tế có thể còn thấp hơn nhiều và trong quý IV/2021, Trung Quốc sẽ chịu nhiều tác động hơn từ cuộc khủng hoảng năng lượng. 

Chứng khoán thế giới ngập sắc đỏ

Mức tăng GDP gây thất vọng của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông và phần lớn châu Á chìm trong sắc đỏ. Nỗi lo toàn cầu liên quan đến rủi ro tín dụng từ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc cũng lan rộng hơn nữa.

Trong phiên giao dịch ngày 18-10, giá trị các loại cổ phiếu blue-chips của Trung Quốc đã giảm 1,55% giữa lúc chỉ số benchmark Hồng Kông giảm 0,54%. Theo Reuters, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,34% trong khi tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm 0,15%. Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 0,3%, còn chỉ số Euro Stoxx 50 tại thị trường châu Âu giảm 0,4% và FTSE 100 của Anh giảm 0,35%.


XUÂN MAI – CAO LỰC

Chia sẻ