Trả lời phỏng vấn đài CNBC (Mỹ), ông Birol cho rằng thị trường dầu hiện cân bằng nhưng các nhà sản xuất đang đợi tín hiệu từ nhu cầu sắp tới của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là nhà nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới. Nếu nhu cầu này phục hồi mạnh mẽ, các nhà sản xuất dầu có thể cần phải tăng sản lượng.

Ông Birol đưa ra nhận định trên không lâu sau khi IEA công bố báo cáo mới nhất, theo đó dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm 2023.

Cụ thể, theo IEA, nhu cầu dầu hằng ngày có thể tăng thêm 2 triệu thùng trong năm 2023. Trong số này, Trung Quốc chiếm 900.000 thùng.

Con số trên của IEA thấp hơn một chút so với mức tăng 2,3 triệu thùng/ngày được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo trong báo cáo công bố hôm 14-2.

Một tàu chở dầu thô ở TP Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dự kiến nhập khẩu một lượng dầu thô cao kỷ lục trong năm 2023 do nhu cầu nhiên liệu tăng khi người dân đi lại nhiều hơn và các nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động.

Theo phân tích của 4 công ty tư vấn Wood Mackenzie, FGE, Energy Aspects, S&P Global Commodity Insight (đều của Anh), lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc có thể tăng thêm 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Với mức tăng cao nhất, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ lên đến 11,8 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo về một số yếu tố có thể tác động đến dự báo lạc quan về nhu cầu dầu của Trung Quốc. Chuyên gia Lin Yitian của Công ty Woodmac cho rằng người dân có thể vẫn còn lo lắng về kinh tế đất nước, nhất là trong ngắn hạn.

Ngoài ra, một số thách thức từ bên ngoài, cộng với triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đe dọa gây sức ép lên lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc. Một số rủi ro khác là nguy cơ số ca COVID-19 tăng trở lại và những vấn đề liên quan đến chính sách xuất khẩu nhiên liệu của Bắc Kinh.


Hoàng Phương