Trong một tuyên bố chung, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã công bố một loạt các biện pháp nhằm ổn định hệ thống ngân hàng và cho biết những người gửi tiền tại SVB sẽ có quyền tiếp cận tiền gửi của họ trong ngày 13-3 (giờ địa phương).

Động thái này được đưa ra khi các nhà chức trách tiếp quản Ngân hàng Signature có trụ sở tại New York, ngân hàng thứ hai sụp đổ chỉ trong vài ngày.

Các nhà phân tích lưu ý rằng điều quan trọng là FED sẽ chấp nhận tài sản thế chấp ngang giá thay vì định giá theo thị trường, cho phép các ngân hàng vay vốn mà không phải bán lỗ tài sản.

Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã công bố một loạt các biện pháp nhằm ổn định hệ thống ngân hàng. Ảnh: Reuters

Ông Paul Ashworth, trưởng bộ phận kinh tế Bắc Mỹ tại tổ chức Capital Economics, cho rằng: “Đây là những động thái mạnh mẽ. Trên thực tế điều này đủ để ngăn chặn bất kỳ tác động lan rộng nào và ngăn sự sụp đổ của nhiều ngân hàng hơn nữa, kịch bản có thể xảy ra trong chớp mắt trong thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, tác động lan rộng thường liên quan nhiều hơn đến nỗi sợ hoảng loạn, vì vậy chúng tôi nhấn mạnh rằng không có gì đảm bảo hành động này sẽ hiệu quả”.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ” các diễn biến và rủi ro tài chính tiềm ẩn từ vụ sụp đổ của SVB.

Phản ứng tích cực từ động thái của giới chức Mỹ, hợp đồng tương lai S&P 500 của Mỹ tăng 1,2%, trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq tăng 1,3% trong phiên giao dịch sáng 13-3.

Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đã giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 13-3 (giờ địa phương). Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) biến động khi các nhà đầu tư cân nhắc hậu quả của vụ sụp đổ ngân hàng SVB đối với thị trường khu vực.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm 1,1%, còn Kospi của Hàn Quốc giảm 0,75% trong phiên giao dịch sáng 13-3 (giờ địa phương). Các nhà đầu tư dự đoán rằng EFD giờ đây sẽ do dự tăng lãi suất thêm 0,5 điểm% trong tháng này.

Theo Reuters, ông John Briggs, trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại Tổ chức tài chính NatWest Markets (Anh), nhận định việc đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất khi đối mặt với sự sụp đổ nghiêm trọng của ngân hàng có thể không phải là quyết định khôn ngoan nhất đối với FED.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 16-3 và được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm%. Phản ứng trước sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ, giá vàng đã tăng 0,6% lên 1.879 USD/ounce hôm 13-3 sau khi tăng 2% trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Giá dầu cũng chứng kiến đà tăng khi giá dầu Brent tăng lên 82,88 USD/thùng trong khi dầu thô của Mỹ tăng lên 76,94 USD/thùng.


Xuân Mai