Trong một nỗ lực nhằm cắt giảm áp lực công việc cho nhân viên, Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) mới đây triển khai chế độ làm việc 4 ngày/tuần – mỗi ngày 8 giờ, cho phép người lao động nhận thêm việc, tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc nghỉ ngơi.

Giảm áp lực cho nhân viên

Panasonic là một trong số ít công ty Nhật Bản tham gia xu hướng cắt giảm giờ làm đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, với mục tiêu thúc đẩy cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Trước đó, vào năm 2019, Tập đoàn Microsoft Nhật Bản (trụ sở tại Tokyo) cũng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với sự tham gia của 2.300 nhân viên để tìm hiểu xem liệu rút ngắn tuần làm việc có giúp gia tăng năng suất lao động hay không. Kết quả thử nghiệm cho thấy người lao động hài lòng hơn với công việc và năng suất cũng tăng thêm 40%.

Với nhiều người, 2 ngày nghỉ là không đủ để “nạp lại năng lượng” sau một tuần làm việc căng thẳng, đặc biệt là khi họ phải xử lý những công việc lặt vặt, mua sắm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… vào dịp cuối tuần. Thứ hai ập đến, họ vẫn cảm thấy uể oải.

Đây là lý do doanh nhân người New Zealand Andrew Barnes và đối tác Charlotte Lockhart khởi động phong trào tuần làm việc 4 ngày, nghỉ 3 ngày.

Giờ cao điểm tại thủ đô Tokyo – Nhật Bản, nơi áp lực công việc khiến nhiều người không dám nghỉ phép Ảnh: REUTERS

Ban đầu, họ thử nghiệm mô hình này với Công ty Perpetual Guardian (New Zealand) và đạt được kết quả mỹ mãn: Năng suất tăng trong khi stress giảm.

Cả 2 chia sẻ câu chuyện thành công của họ và hỗ trợ những công ty khác theo đuổi hướng tiếp cận này. Dữ liệu của họ cho thấy 63% doanh nghiệp dễ dàng thu hút và tuyển dụng nhân tài hơn với mô hình tuần làm việc 4 ngày. Trong khi đó, khoảng 78% người lao động cảm thấy hạnh phúc và bớt căng thẳng hơn khi có thêm 1 ngày nghỉ.

Mới đây, Bolt – công ty khởi nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Mỹ – cũng đã kết thúc quá trình thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày với nhiều kết quả tích cực.

Ryan Breslow, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty “tỉ USD” nêu trên, gia nhập xu hướng cắt giảm giờ làm bằng niềm tin mãnh liệt rằng sau 3 ngày nghỉ ngơi, nhân viên sẽ trở lại với sự háo hức và nguồn năng lượng dồi dào, chứ không phải như những “thây ma” công sở.

 “Với tuần làm việc 4 ngày, chúng ta có thể cảm thấy tự tin để cống hiến hết mình trong 4 ngày này” – Breslow khẳng định với Tạp chí Forbes, đồng thời nhấn mạnh kết quả lao động quan trọng hơn so với thời gian có mặt.

Công ty Elephant Ventures (Mỹ) cũng giới thiệu tùy chọn tuần làm việc 4 ngày nhưng có sự điều chỉnh nhỏ khi yêu cầu nhân viên làm 10 giờ/ngày. Họ có thể làm bù vào thứ sáu hoặc cuối tuần nếu không thể làm đủ giờ trong 4 ngày làm việc cố định.

“Sau 3 ngày nghỉ, mọi người trở lại với tinh thần sảng khoái. Ai cũng làm việc hiệu quả và tập trung hơn” – Chủ tịch Elephant Ventures Art Shectman chia sẻ.

Hình mẫu Iceland

Scotland đã bắt đầu thử nghiệm mô hình tuần làm việc 4 ngày, giảm 20% giờ làm nhưng vẫn giữ nguyên thu nhập cho công nhân. Tại Tây Ban Nha, chính phủ cũng đã thông báo kế hoạch thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trong 3 năm, đồng ý để công nhân làm việc 32 giờ/tuần mà không cắt giảm thu nhập.

Tương tự Scotland, chính phủ Tây Ban Nha sẽ đền bù chênh lệch lương khi công nhân chuyển sang lịch làm việc 4 ngày/tuần nhằm giảm thiểu rủi ro cho các chủ lao động.

Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Mark Takano mới đây đệ trình dự luật rút ngắn tuần làm việc chuẩn từ 40 giờ còn 32 giờ, lập luận rằng: “Các chương trình thí điểm do chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới thực hiện đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn, khi năng suất và tinh thần làm việc gia tăng; người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, ít phải nghỉ ốm hơn, ít tốn chi phí chăm sóc trẻ hơn vì họ có thêm thời gian cho gia đình và con cái”.

Những người ủng hộ cắt giảm thời gian làm việc thường lấy Iceland làm ví dụ. Một cuộc nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn 2015-2019, với sự tham gia của 2.500 công nhân, tương đương 1% lực lượng lao động của quốc gia này, cho thấy tuần làm việc ngắn hơn cũng đồng nghĩa với mức độ hài lòng và năng suất gia tăng.

Các tổ chức Công đoàn Iceland dùng kết quả nghiên cứu này để thương lượng giảm giờ làm cho công nhân và đến thời điểm hiện tại, gần 90% dân số lao động Iceland đã có lịch làm việc được rút ngắn. 

Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi về những kết quả tích cực nêu trên. Người lao động có thể nỗ lực để quá trình thử nghiệm diễn ra thành công, với mong muốn có được tuần làm việc cố định 4 ngày. Những mức tăng năng suất ấn tượng có thể sẽ biến mất khi mô hình này được triển khai chính thức.

“Do đó, ngay cả khi đạt được những kết quả thử nghiệm đầy hứa hẹn, chúng ta không thể mặc nhiên cho rằng việc áp dụng mô hình cắt giảm thời gian làm việc diện rộng sẽ không tác động tiêu cực đến nền kinh tế” – chuyên gia Anthony Veal của Trường ĐH Công nghệ Sydney (Úc) lưu ý.

Vấn đề này đã từng xảy ra trên thực tế. Theo Tạp chí Governing, khi bang Utah – Mỹ cho phép toàn bộ công chức làm việc 4 ngày/tuần vào năm 2008, công chức Utah khẳng định trong các cuộc khảo sát rằng họ cảm thấy năng suất vẫn được giữ nguyên hoặc thậm chí là cao hơn. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra sau đó nhận thấy năng suất tăng và giảm tùy thuộc vào đơn vị làm việc. Đến năm 2011, Utah quay lại mô hình làm việc 5 ngày/tuần.


CAO LỰC

Chia sẻ