Trọng tâm hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từ ngày 16 đến 20-1 xoay quanh các vấn đề chính trị và kinh tế đang được toàn cầu quan tâm. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 53 diễn ra ở thị trấn Davos – Thụy Sĩ thu hút sự tham dự của hơn 2.700 khách mời, gồm 52 nguyên thủ quốc gia và gần 600 giám đốc điều hành của các công ty, tập đoàn trên toàn cầu.

Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, WEF năm 2023 khai mạc trở lại với chủ đề “Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh”, gồm các nội dung về xu hướng toàn cầu hóa, tác động của căng thẳng thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu… WEF năm nay không có đại diện từ Nga, Trung Quốc nhưng số tỉ phú từ vùng Vịnh lại tăng vọt.

Sự kiện tại Davos lần này cũng thu hút sự góp mặt cao kỷ lục của các lãnh đạo tài chính gồm 56 bộ trưởng tài chính và 19 thống đốc ngân hàng trung ương ở các nước. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức như lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng và gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột Nga – Ukraine và làn sóng ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc.

An ninh được thắt chặt ở khu vực diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2023 tại Davos – Thụy Sĩ ngày 16-1. Ảnh: REUTERS

Theo nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, mục tiêu của WEF là thảo luận cách thức giải quyết phân hóa và xói mòn lòng tin đang gia tăng ở cả cấp độ toàn cầu và quốc gia thông qua tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện phục hồi mạnh mẽ và bền vững.

Theo đài Deutsche Welle (Đức), cuộc khảo sát rủi ro hằng năm do WEF công bố tuần trước cho thấy khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu do đại dịch và xung đột Nga – Ukraine sẽ là những rủi ro kinh tế lớn nhất trong năm 2023, đồng thời cảnh báo tình trạng khan hiếm nguồn cung lương thực và năng lượng có thể sẽ kéo dài trong 2 năm tới.

WEF diễn ra giữa lúc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tình trạng phân mảnh nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu sau nhiều thập niên thúc đẩy hội nhập có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7%, thậm chí lên tới 8%-12% ở một số nền kinh tế nếu tách rời công nghệ. IMF cho biết ngay cả khi tình trạng phân mảnh diễn ra ở mức độ hạn chế cũng có thể làm giảm 0,2% GDP toàn cầu. IMF nhận định các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp có thể hứng chịu rủi ro cao nhất khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển sang “khu vực hóa” và hệ thống thanh toán toàn cầu bị phân mảnh. Tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu cũng có thể làm suy yếu khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia đang gặp khủng hoảng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai.

Trước thềm diễn ra WEF, Tổ chức Oxfam cho rằng số lượng các tỉ phú nên giảm 50% vào năm 2030 thông qua việc đánh thuế cao hơn cũng như các chính sách khác để thế giới bình đẳng hơn. Trong báo cáo mới nhất của Oxfam, các tỉ phú đã gia tăng gấp đôi tài sản trong 10 năm qua với tài sản của 1% số người giàu nhất cao hơn 74 lần so với khoảng 50% số người nghèo nhất.

Kể từ năm 2020, tài sản của các tỉ phú đã tăng thêm 2,7 tỉ USD mỗi ngày trong khi lạm phát vượt xa tiền lương của ít nhất 1,7 tỉ người lao động trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức này kêu gọi tăng thuế vĩnh viễn đối với 1% số người giàu nhất bằng cách áp thuế tối thiểu 60% đối với thu nhập của họ.

Trích báo cáo từ trang tin tức điều tra của Tổ chức ProPublica (Mỹ), Oxfam cho biết nhiều người giàu nhất thế giới hầu như không đóng bất kỳ khoản thuế nào. Điển hình như tỉ phú Elon Musk, chủ sở hữu Công ty xe điện Tesla, chỉ phải nộp 3,2% thuế thực tế trong giai đoạn từ năm 2014-2018 hay tỉ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đóng thuế chưa đến 1%. 


Xuân Mai