Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 13-6 cho biết trong một nhóm nghiên cứu mới rằng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev đã làm gia tăng căng thẳng giữa 9 quốc gia có vũ trang hạt nhân trên thế giới

Trong khi số lượng vũ khí hạt nhân giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 1-2021 đến tháng 1-2022, SIPRI nói rằng trừ khi các cường quốc hạt nhân có hành động ngay lập tức, kho đầu đạn toàn cầu có thể sớm bắt đầu tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Ông Wilfred Wan, giám đốc Chương trình Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt của SIPRI, cho biết: “Tất cả các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ và hầu hết đều lên giọng về hạt nhân và vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự của họ”.

Ông Wilfred Wan nói thêm: “Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại”.

Hệ thống tên lửa đạn đạo Pershing II của Mỹ Ảnh: US ARMY

3 ngày sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao.

Theo Reuters, ông cũng cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra là “chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử” đối với các quốc gia ngăn chặn Nga.

Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.977 đầu đạn, nhiều hơn Mỹ khoảng 550 đầu đạn. Hai nước sở hữu hơn 90% đầu đạn của thế giới dù SIPRI cho biết Trung Quốc đang trong giai đoạn mở rộng với ước tính hơn 300 hầm chứa tên lửa mới.

SIPRI cho biết số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu đã giảm xuống còn 12.705 đầu đạn hạt nhân vào tháng 1-2022 từ 13.080 đầu đạn vào tháng 1-2021. Ước tính có khoảng 3.732 đầu đạn được triển khai cùng tên lửa và máy bay và khoảng 2.000 đầu đạn trong số đó, gần như tất cả thuộc về Nga hoặc Mỹ trong trạng thái sẵn sàng cao.

Chủ tịch hội đồng quản trị SIPRI kiêm cựu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho hay: “Mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới đã xấu hơn vào thời điểm mà nhân loại và hành tinh đối mặt với một loạt các thách thức chung sâu sắc và cấp bách mà chỉ có thể giải quyết bằng hợp tác quốc tế”.


Xuân Mai