Nhà Trắng hôm 18-2 công bố dự luật nhập cư mới giúp mở ra lộ trình 8 năm trở thành công dân Mỹ cho hàng triệu người nhập cư đã ở nước này.

Theo đài CNN, dự luật này mang tên “Đạo luật Quốc tịch Mỹ năm 2021”, gồm các nội dung hoạch định lộ trình trở thành công dân Mỹ, giảm thời gian nhập quốc tịch từ 13 năm còn 8 năm, cụ thể hóa trường hợp những người nhập cư không có giấy tờ đến Mỹ khi còn là trẻ em, những người thuộc diện cứu trợ nhân đạo được gọi là “Tình trạng được bảo vệ tạm thời” hoặc những lao động nông nghiệp.

Những cá nhân này có thể được cấp thẻ xanh nếu đáp ứng các yêu cầu, trong đó có kiểm tra lý lịch. Tuy nhiên, để đủ điều kiện theo dự luật này, những người nhập cư phải sống ở Mỹ trước ngày 1-1-2021.

Người di cư bị nhân viên tuần tra Mỹ tạm giữ khi vượt qua biên giới vào TP El Paso, bang Texas – Mỹ hôm 9-2 Ảnh: REUTERS

Dự luật nhập cư của chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến được Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bob Menendez trình bày tại Thượng viện và Hạ nghị sĩ Linda Sanchez giới thiệu ở Hạ viện.

Dự luật do các thành viên Dân chủ đề xuất nói trên nhiều khả năng vấp phải trở ngại tại một quốc hội mà Đảng Dân chủ chiếm thế đa số mong manh. Thượng nghị sĩ Menendez hôm 18-2 thừa nhận các thành viên Đảng Dân chủ sẽ phải đàm phán nhưng khẳng định sẽ không nhượng bộ.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden lập luận dự luật này là nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng nhằm khởi động lại cuộc đại tu hệ thống nhập cư của Mỹ và để mở khả năng sẵn sàng đàm phán với quốc hội. Dự luật cải cách sâu rộng này được đưa ra trong bối cảnh đã có nhiều dự luật nhập cư độc lập được trình lên quốc hội trước đó nhằm sửa đổi các phần nhỏ hơn trong hệ thống nhập cư của Mỹ. Một số quan chức cho rằng việc thông qua một dự luật hoặc tách thành nhiều phần là tùy thuộc quyết định của quốc hội.

Dự luật đề xuất của Tổng thống Biden, nếu được thông qua, cũng sẽ tăng trần số lượng người nhập cư hợp pháp ở mỗi quốc gia dựa trên điều kiện việc làm và gia đình. Theo một quan chức chính quyền Tổng thống Biden, dự luật dự kiến tăng số lượng thị thực được cấp hằng năm từ 55.000 lên 80.000.

Bên cạnh đó, đầu tư vào biên giới Mỹ – Mexico và khu vực Trung Mỹ cũng là vấn đề được hướng đến, để từ đó giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư thông qua các hoạt động như trấn áp những kẻ buôn lậu, ma túy và các mạng lưới buôn người. Chính quyền ông Biden cũng tìm cách mở ra những con đường hợp pháp và an toàn hơn cho người di cư bằng cách thiết lập quy trình giải quyết tị nạn ở Trung Mỹ và đề xuất kế hoạch đầu tư 4 tỉ USD trong khu vực.

Theo hãng tin AP, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Dick Durbin cho rằng bất kỳ dự luật cuối cùng nào được Thượng viện thông qua đều có khả năng “không đạt được các cấp độ” như đề xuất của chính quyền ông Biden. Trên thực tế, những dự luật toàn diện do các nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng đàm phán từng thất bại nhiều lần dưới thời các cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật tăng cường an ninh biên giới và hạn chế nhập cư hợp pháp vào Mỹ, đồng thời loại bỏ một số biện pháp bảo vệ đối với những người nhập cư sống ở Mỹ được ban hành dưới thời ông Obama. Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký một số sắc lệnh rút lại những hạn chế của ông Trump và từng tuyên bố cải cách nhập cư là ưu tiên hàng đầu.

Các thành viên Đảng Dân chủ bày tỏ sự lạc quan bởi dự luật lần này không chỉ thay đổi về mặt chiến lược mà còn tính đến yếu tố chính trị. Bên cạnh sự ủng hộ cải cách nhập cư từ nhóm doanh nghiệp, Đảng Dân chủ cũng chỉ ra một thực tế buộc họ phải hành động, đó là số lượng cử tri gốc Mỹ Latin bỏ phiếu cho ông Trump tăng đột biến trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Bà Greisa Martinez Rosas, Giám đốc điều hành nhóm vận động vì quyền của người nhập cư United We Dream, nhận định nếu Quốc hội Mỹ vẫn không cải cách nhập cư thì điều đó chắc chắn sẽ trở thành thách thức đối với Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022 và hơn thế nữa.


XUÂN MAI

Chia sẻ